Những đứa trẻ tập bơi trong dịp hè và được cha mẹ luôn túc trực, quan sát - Ảnh: HÀ THANH
Tại các "bể bơi" tự nhiên, những đứa trẻ siết chặt dây cài áo phao, từ trên bờ nhảy tùm xuống ao và thích chí vui đùa trong làn nước mát, dưới sự theo dõi của cha mẹ.
Nhà gần ao hồ, sông suối nên tôi phải dạy bơi lội để con biết tự bảo vệ bản thân, tránh tình trạng đuối nước.
Ông Đỗ Đăng Tuấn
Dạy nhau tập bơi
Khoảng 16h tại "bể bơi" thôn Minh Hòa (xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội), trẻ em trong thôn í ới rủ nhau đi bơi. Người dân nơi đây chia sẻ, thực ra "bể bơi" này trước kia là cái ao nước được cải tạo lại, nhờ đó tạo ra không gian cho các em nhỏ đến tập bơi dịp hè.
Năm nay lên 6 tuổi, em Đỗ Văn Đại đã biết bơi nhờ sự hướng dẫn của anh trai Đỗ Văn Minh (13 tuổi). Khi đưa Đại đi bơi, Minh dạy cho em cách tập nổi và tập thở, sau đó hướng dẫn các động tác bơi. Đặc biệt cả hai không quên việc mặc áo phao để giữ an toàn cho bản thân.
"Con thích mùa hè vì được đi bơi với anh trai" - Đại hào hứng bày tỏ.
Ông Đỗ Đăng Tuấn (52 tuổi) quan sát từng đứa trẻ đang đùa vui dưới ao. Ông nói từ khi ao làng biến thành "bể bơi", thu hút nhiều trẻ đến tham gia. Vì thế các bậc phụ huynh luôn thay phiên nhau túc trực, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho các con.
Không có điều kiện đưa con đến bể bơi nhân tạo nên suốt 3 năm nay ông Tuấn kiên nhẫn dạy con gái tập bơi ở khu vực ao này.
"Nhà gần ao hồ, sông suối nên tôi phải dạy bơi lội để con biết tự bảo vệ bản thân, tránh tình trạng đuối nước. Mới đầu nó sợ lắm vì nước ao sâu, nhưng sau khi được bố dạy và biết các kỹ năng thì đã quen, mỗi ngày đều xin bố mẹ ra đây tắm" - ông Tuấn bộc bạch.
Em Đỗ Thị Thùy Dung (học sinh lớp 7, con gái ông Tuấn) cho biết em đã biết bơi "tàm tạm" và hiện nay đã tự tin hướng dẫn thêm cho các bạn mới tập bơi. Dung chia sẻ, trước khi xuống nước, các bạn nhỏ trong thôn cùng nhau thực hiện các bài tập khởi động để giảm thiểu nguy cơ bị chuột rút.
"Nếu bạn nào chưa mặc áo phao, em sẽ nhắc nhở bạn ấy mặc áo phao cho an toàn. Bơi ở ao hay gặp tình trạng người ta đổ nước thải, đổ rác xuống nên không được đảm bảo vệ sinh. Chúng em mong muốn có một hồ bơi rộng rãi, sạch sẽ để thoải mái bơi lội" - Thùy Dung nói.
Để con luôn trong tầm mắt
Tìm về xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội), người dân tự hào chia sẻ về "bể bơi tự nhiên" ở ao làng Thiên "đã được lên cả vô tuyến". Những ngày nắng nóng gay gắt, đây là địa điểm quen thuộc của trẻ em và người dân đến tắm "giải nhiệt".
Hướng mắt về đứa trẻ đang say mê vẫy vùng trong làn nước, chị Nguyễn Thị Bích Liên (đội 10, xã Dương Liễu) liên tục dặn dò con phải ra sức đạp tay, đạp chân và bơi về phía mẹ.
"Năm ngoái tôi cũng thường xuyên đưa con ra ao làng Thiên chơi. Con thấy các anh tắm ở đây thì đòi mẹ cho xuống bơi nhưng lúc đó nó còn bé nên tôi không đồng ý. Nay con lớn hơn, mặc vừa áo phao, tôi cho đi học bơi liền" - chị Liên kể.
Ở khu vực ngoại thành nhiều ao hồ, sông suối, điều mà các bậc phụ huynh lo lắng nhất trong những ngày hè là tình trạng đuối nước có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Khi đến bơi ở ao làng Thiên, trẻ con được cha mẹ cho mặc áo phao và dạy tập bơi, đồng thời quan sát con liên tục để đảm bảo con lúc nào cũng ở trong tầm mắt cha mẹ.
Để đảm bảo an toàn, chị Nguyễn Thị Long (35 tuổi) đã cẩn thận đăng ký cho con trai học một khóa bơi lội trước khi đưa con ra tắm ở ao làng. Khi đứa trẻ đã cứng cáp, không còn sợ nước và biết các kỹ thuật bơi cơ bản, người mẹ mới đồng ý cùng con xuống tắm ở ao.
"Mỗi chiều tôi đưa con ra bơi nhưng bắt buộc con phải mặc áo phao và dặn dò tuân thủ các kỹ năng. Sau mỗi lần đi bơi về, tôi thấy các con ăn ngủ khỏe khoắn hơn, được rèn luyện, nâng cao thể chất mà tránh xa chiếc điện thoại, tivi thì mừng lắm" - chị Long bộc bạch.
Năm 2016, người dân xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã cải tạo, dọn sạch rác thải trong ao làng Thiên. Ao rộng khoảng 7.000m2 trở thành bể bơi miễn phí cho tất cả mọi người. Từ ngày có "bể bơi tự nhiên", phong trào bơi lội ở xã Dương Liễu được mở rộng, nhờ đó tình trạng đuối nước cũng giảm hẳn.
TTO - “Phần lớn cha mẹ cho con đi học bơi đều hỏi thầy cô bao giờ con tôi biết bơi. Thực ra trẻ biết bơi vẫn có thể chết đuối, do đó cần dạy cho con sinh tồn dưới nước trước khi dạy bơi” - chuyên gia giáo dục Hoàng Thúy Hằng chia sẻ.
Xem thêm: mth.78483633220702202-iob-pat-noc-yad-gnal-oa-ev/nv.ertiout