Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh giống như hầu hết các thị trường mới nổi khác trong 6 tháng đầu năm, đưa định giá VN-Index giao dịch ở mức gần như thấp nhất trong 5 năm qua. Ngày 23/6, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E hiện tại là 12,9 lần, tức là mức chiết khấu 25% so với mức đỉnh trong năm nay và chiết khấu 22% so với mức P/E trung bình 5 năm.
Trong một báo cáo gần đây, VNDirect Research cho rằng Việt Nam vẫn là thị trường nổi bật do có mức tăng trưởng EPS cao trong giai đoạn 2022-2024 (trung bình là 19,2%) khi so sánh với các thị trường mới nổi khác.
VNDiamond ETF và Fubon ETF là tâm điểm thu hút dòng vốn ETF vào thị trường Việt Nam
Cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021, tổng NAV của các quỹ ETFs tại Việt Nam đã tăng khoảng 3 lần lên hơn 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước sự điều chỉnh của thị trường giai đoạn tháng 6/2021 đến tháng 6/2022, NAV của các quỹ ETF tại Việt Nam có xu hướng đi ngang.
Theo thống kê của VNDirect Research, tính đến ngày 27/6, ETF VNDiamond có NAV lớn nhất với 18.700 tỷ đồng. Xếp thứ 2 và thứ 3 lần lượt là quỹ Fubon ETF (12.700 tỷ đồng) và V.N.M ETF (8.900 tỷ đồng). Trong nửa cuối năm 2022, hai quỹ ETF mới gồm DCVFM VNMidcap và KIM Growth VNFinselect sẽ được tung ra thị trường, VNDirect kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng của các quỹ ETF tại Việt Nam vẫn được duy trì cùng với triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, dòng vốn ETF mạnh mẽ chủ yếu đến từ hai quỹ ETFs VNDiamond và Fubon với tổng dòng tiền ròng chảy vào 2 quỹ lần lượt là 4.603 tỷ đồng và 3.652 tỷ đồng trong quý 2/2022. Đối với VNDiamond, dòng tiền tăng mạnh trong quý 2 chủ yếu đến từ việc huy động chứng chỉ quỹ DR tại Thái Lan với giá trị gần 2.000 tỷ đồng tính đến ngày 27/6.
Nghiên cứu của đội ngũ VNDirect chỉ ra rằng dòng vốn ETF sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, dòng vốn sẽ tập trung vào các quỹ ETF có tiềm năng tăng trưởng tốt và định giá phù hợp, chẳng hạn như VNDiamond ETF. Ngoài ra, cùng với dòng vốn Fubon ETF đổ vào mạnh mẽ, dòng vốn từ các nước Đông Á vào ETFs Việt Nam đang là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong giai đoạn điều chỉnh.
Bên cạnh đó, VNDirect thống kê rằng khối ngoại đã giảm dần giá trị bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2022 và đảo vị thế sang mua ròng kể từ tháng 4. Trong nửa đầu năm 2022, giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 3.470 tỷ đồng, tích cực hơn nhiều so với việc bán ròng 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại phần lớn là do dòng vốn ETF (chủ yếu từ VNDiamond ETF và Fubon). Điều này cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chướng khoán đang hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng trưởng LN của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE 2022-2023 sẽ nhanh gấp đôi tốc độ bình quân 15 năm qua
Các công ty niêm yết trên HOSE có triển vọng kinh doanh tích cực trong giai đoạn 2022-2023. VNDirect Research dự báo tăng trưởng LN ròng của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ trong hai năm tới. Tốc độ tăng trưởng này cao gấp đôi tốc độ của bình quân 15 năm qua
VNDirect chỉ ra tăng trưởng LN một số ngành có thể cải thiện mạnh mẽ năm 2022, bao gồm Hàng công nghiệp và Dịch vụ (đóng góp lớn từ ACV), Bán lẻ và Bất động sản trong khi tăng trưởng của nhóm Dầu khí, Dịch vụ thiết yếu và Công nghệ vẫn tương đối mạnh.
Theo dữ liệu lịch sử, VN-Index hầu hết ghi nhận mức tăng trưởng dương trong những năm mà tăng trưởng LN của các doanh nghiệp niêm yết cao trên 10%, ngoại trừ năm 2010 khi Việt Nam phải đối mặt với lạm phát cao và vụ vỡ nợ của Vinashin.
Kịch bản tích cực: VN-Index dự phóng đạt 1.500 điểm
Xét bức tranh thị trường nửa đầu năm, VNDirect kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ bước vào giai đoạn phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Theo đó, đội ngũ phân tích đưa ra 2 kịch bản có thể xảy ra với chỉ số chính:
(1) Kịch bản tích cực: VNDirect dự phóng VN-Index sẽ đạt 1.500 điểm vào cuối năm, tương đương P/E khoảng 14 lần.
Các chuyên gia lạc quan về lạm phát Mỹ có thể sớm hạ nhiệt từ cuối quý 3/2022 cùng với kế hoạch tăng lãi suất của Fed có thể chậm lại. Ngoài ra, bối cảnh từ GDP của Việt Nam tăng trưởng mực 7,5% so với cùng kỳ và việc NHNN không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 sẽ là những động lực củng cố cho kịch bản tích cực.
(2) Kịch bản cơ sở: VNDirect Research dự báo VN-Index đạt 1.330 điểm, tương đương P/E ở mức 12,5 lần.
Dựa trên những kỳ vọng về lạm phát Mỹ có thể hạ nhiệt và lãi suất mục tiêu quỹ của Fed tăng đến 3,2%-3,8% cuối năm 2022. Hơn nữa, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo ở mức 7,1% so với cùng kỳ và việc Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản trong quý 4 cũng sẽ là những yếu tố được dự báo cho kịch bản này.
Đặc biệt, báo cáo VNDirect cũng cho biết Việt Nam đang có tỷ trọng lớn nhất trong cả chỉ số thị trường cận biên của MSCI và chỉ số thị trường cận biên (Frontier 50) của FTSE với tỷ trọng quốc gia lần lượt là 28,5% và 29,8%. Trong đó, 5 trong 10 công ty hàng đầu trong chỉ số thị trường cận biên MSCI và 8/50 công ty trong chỉ số thị trường cận biên FTSE (Frontier 50 Index) là những công ty niêm yết của Việt Nam.
https://cafef.vn/kich-ban-tich-cuc-vn-index-co-the-len-moc-1500-diem-trong-nam-2022-20220702231540948.chnTheo Kiều My
Nhịp Sống Kinh tế
Xem thêm: nhc.66320550130702202-2202-man-gnort-meid-0051-com-nel-eht-oc-xedni-nv-cuc-hcit-nab-hcik/nv.zibefac