"Trẻ em giống như những bình đầy khí và không có phanh vì không nghĩ đến hậu quả", tiến sĩ Allan Beane, chuyên gia về hành vi trẻ em người Mỹ, cho biết. Vì thế nên phải có hệ thống kỷ luật trẻ. Đồng thời, khi muốn trẻ thường xuyên nghe lời, làm việc tốt, người lớn có thể áp dụng một chiến lược phổ biến là khen thưởng. Việc này khuyến khích sửa đổi hành vi theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, áp dụng cách khen thưởng ra sao và kỷ luật thế nào để hiệu quả mà không ảnh hưởng đến lòng tự trọng cũng như sự phát triển của trẻ là thắc mắc của rất nhiều bậc phụ huynh hay giáo viên.
Sau một chặng đường 8 năm đi dạy tiếng Anh, thử các kiểu khác nhau để động viên cũng như giữ kỷ luật lớp học mà vẫn không làm các bạn cảm thấy bị xa cách/không dễ chịu khi thực thi; cuối cùng cô giáo Nhung Rosie Nguyễn (Hà Nội) cũng tìm được cách mà cô cho rằng "ổn nhất" bằng cách vận dụng lý thuyết “cây gậy và củ cà rốt”.
Cô giáo Nhung Rosie Nguyễn (Hà Nội).
Việc khen thưởng và kỷ luật được cô giáo áp dụng cụ thể như sau:
KHEN THƯỞNG
Theo cô Nhung, có nhiều tranh cãi trong việc khen thưởng này, là chủ đề tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu tâm lý học, thậm chí có cả đề thi IELTS nói về ưu và nhược điểm của việc khen thưởng. Có người cho rằng, khi quen với việc được khen thưởng lâu ngày, thì "củ cà rốt" phải càng ngày càng to, càng ngọt, rằng nếu lần trước thưởng món quà trị giá 50k thì lần sau nó phải ngon nghẻ, đắt giá hơn thì con mới giữ được hứng thú. Một quan điểm trái chiều đó là khi khen thưởng trong lớp thì sẽ dẫn tới tâm lý ganh đua mạnh trong các bạn ấy.
Với cô Nhung thì khen thưởng đúng cách sẽ tạo được sự cạnh tranh vừa phải đủ để thúc đẩy, tạo động lực và mình sẽ đi kèm với truyền tải một thông điệp về đạo đức nào đó để tối ưu. Khi này, củ cà rốt không nhất thiết phải to hơn, chỉ cần khác đi, nắm đúng tâm lý của người nhận.
Ngày trước cô Nhung có dùng sao khen thưởng trong lớp, như nhiều thầy cô giáo khác để khen cho từng cá nhân (viết tên các bạn lên bảng). Khi này thì tính cạnh tranh trong từng bạn sẽ cao, không quan tâm bạn khác, chỉ muốn hơn thua, thậm chí dẫn tới ganh tị với bạn, khó chịu khi bạn thành công (cái này cực nguy hiểm về lâu dài bởi nó nuôi dưỡng hạt giống "sân").
Rồi một thời gian sau, cô chuyển sang dùng thang thứ bậc, bạn nào thể hiện tốt (cả kiến thức lẫn thái độ) thì sẽ được nâng hạng, bạn nào vi phạm luật lớp thì sẽ bị tụt hạng. Cách này ban đầu có vẻ hay, nhưng về sau thì các bạn ít có sự hào hứng (đặc biệt là các bạn tầm lớp 3 trở lên hoặc các bạn xuất sắc trong lớp) bởi vì chỉ có 4-5 thứ hạng và nếu lên đỉnh rồi thì dù con có tốt hơn nữa con cũng không thể thăng hạng, dẫn tới các bạn ít có động lực phấn đấu khi đã làm tốt.
Đến cách đây vài tháng, cô áp dụng khen thưởng bằng lọ kim cương, và nhận thấy các bạn rất hứng thú dù đã ở lớp cao. Cách làm đó là có một bịch kim cương và một chiếc lọ rỗng. Nếu lớp lớn vẫn có thể chia tổ, lớp nhỏ ở trung tâm thì không cần. Mỗi khi có một bạn/một đội trả lời tốt hoặc thực hiện kỷ luật tốt thì sẽ có 1 viên kim cương được đưa vào lọ (tiếng kêu khi viên kim cương va chạm vào lọ thủy tinh cũng khiến các bạn thấy phấn khích đó).
Lúc này, cả lớp sẽ cùng hướng tay về đội/bạn đã kiếm được kim cương về cho lớp và nói "Thank you". Đây là việc cô giáo chèn bài học về sự biết ơn vào từng tiết học, nuôi dưỡng hạt giống lành trong con. Ngoài ra có thể áp dụng thần chú hạnh phúc của người Hawaii cổ là Ho'oponopono bằng cách cho cả lớp nói "Thank you. I love you" luôn.
Ngoài việc khen thưởng tập thể thì để tạo động lực cho những bạn giỏi, xuất sắc được chú ý hơn đó là mỗi tiết học cô sẽ tặng stamp (dấu) hoặc sticker cho 3 bạn thể hiện tốt nhất. Tích đủ 10/20 dấu sẽ được đổi quà giá trị tương ứng.
Mỗi khi có một bạn/một đội không thực hiện kỷ luật tốt cô sẽ lấy 1 viên ra ngoài. Khi này cũng áp dụng Ho'oponopono đó là bạn đó sẽ nói "I'm sorry. Please forgive me" (tùy vào trình độ của lớp mà mình có thể cho nói đầy đủ 2 câu hoặc lược bớt câu khó hơn). Vậy là một bài học về trách nhiệm và sự nhận lỗi cũng được kẹp vào từng tiết học rồi.
Những chiếc ảnh thang xếp hạng cho lớp được cô Nhung thực hiện.
Khi nào cả chiếc lọ đầy kim cương, cả lớp sẽ được khen thưởng (phần thưởng do cô và cả lớp cùng thống nhất, tất nhiên cô sẽ có cách nói chuyện để hướng theo cách hợp lý nhất cho cả đôi bên - một pha bẻ lái từ thầy cô). Như vậy các con sẽ học được việc có trách nhiệm với chính mình và với tập thể lớp, không làm ảnh hưởng tới bạn. "Có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu".
KỶ LUẬT
Trong lớp cô Nhung có một số quy tắc sau:
1. Sit nicely (Ngồi đẹp).
2. Speak English only (Chỉ nói tiếng Anh).
3. Don't touch your friends (Không chạm vào bạn).
4. Don't touch the toys (Không chạm vào đồ chơi).
5. Don't shout (Không la hét).
6. Listen to Ms. Rosie and friends (Lắng nghe cô Rosie và các bạn).
Để đến được những thỏa thuận này thì có lẽ thầy cô và ba mẹ có thể định hướng bằng việc sử dụng các câu hỏi về nhân – quả để các con thấy sự hợp lý của nó và đi đến đồng thuận. Lớp lớn có thể để các con tự tư duy, lớp nhỏ thì cô có thể nói trước ra và hỏi xem các bạn có đồng ý không.
Cô Nhung cho rằng, thật ra thì với các con, món quà chỉ là một phần, "sự công nhận" của thầy cô/ba mẹ kịp thời, đúng lúc con có sự tiến bộ/hành vi đẹp mới là điều con thực sự cần. Đôi khi những lời nói động viên, sự ghi nhận về con trước lớp/đám đông cũng đủ làm con vui và có động lực cả tuần. Ba mẹ và con tại nhà cũng có thể áp dụng cách này nếu có một hoặc nhiều bạn nhỏ trong cùng một gia đình để anh chị em biết yêu thương, giúp đỡ nhau.
Bên cạnh đó, kỷ luật sẽ là chuẩn nhất khi được thảo luận và đưa đến thống nhất từ 2 phía (thầy cô/ ba mẹ và con). Đây cũng là một yếu tố nhỏ mà ba mẹ/thầy cô thường quên – "áp đặt trẻ". Nhiều khi người lớn chỉ nghĩ là mình ra quy định và học sinh/các con buộc phải tuân theo.
Tuy nhiên, khi ba mẹ/thầy cô thực hành được việc tôn trọng ý kiến của trẻ thì con cũng đang được giáo dục về việc này và hình thành nên tính cách này khi đối xử với người khác trong cuộc sống. Lắng nghe quan điểm của con cũng chính là cơ hội để được hiểu con đó, nên hãy trân trọng. Hãy giải thích với con tại sao chúng ta cần có quy tắc trong lớp học/gia đình.
https://afamily.vn/khen-thuong-va-ky-luat-tre-sao-cho-hieu-qua-sau-8-nam-co-giao-tieng-anh-o-ha-noi-rut-ra-loat-kinh-nghiem-qua-huu-ich-ai-cung-ung-dung-duoc-20220626212844592.chntheo Hiểu Đan
Phụ nữ Việt Nam