Nhân viên bán vé điện tử cho hành khách tại bến xe Miền Đông chiều 3-7 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật
Theo thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, từ 1-7, tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử (hóa đơn có mã, hóa đơn có kết nối với dữ liệu ngành thuế).
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), việc sử dụng hóa đơn điện tử đã được triển khai. Nhân viên ở đây trực tiếp nhập thông tin và in vé có mã QR ngay tại quầy.
Nhân viên bán vé của nhà xe Duyên Hà - Minh Tuấn (tuyến TP.HCM đi Đắk Nông) cho biết thay vì bán các vé đã in sẵn (do nhà xe chuẩn bị từ trước), kèm theo một cuốn sổ tay ghi rõ tên tuổi, số điện thoại, còn hiện nay nhân viên sẽ trực tiếp nhập thông tin và in vé ngay tại quầy.
Tuy vậy, các thiết bị kỹ thuật, đường truyền hay gặp trục trặc nên việc bán vé điện tử này còn nhiều bất cập, nhiều khách phải chờ đợi vài chục phút do đường truyền (mạng internet) gặp sự cố.
Mỗi vé điện tử chịu thuế khoảng 10%. Nhà xe không in trước vé, vì lo nếu khách không đến lấy thì nhà xe sẽ chịu lỗ tiền thuế. Điều này dẫn đến chậm trễ trong quá trình bán vé, nhất là khi khách đến dồn một lúc.
Các vé xe khách điện tử đều có mã QR - Ảnh: CHÂU TUẤN
Kiến nghị lùi thời gian
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chiều 3-7, đại diện bến xe Miền Đông cho biết từ ngày 1-7, bến xe Miền Đông triển khai bán vé xe khách điện tử. Các đơn vị vận tải đều đã được thông báo trước một thời gian về sự thay đổi bắt buộc này.
Tuy nhiên, một số nhà xe gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bến xe ở các địa phương khác chưa thực hiện. Trước đó, các doanh nghiệp phải gấp rút hoàn thiện hồ sơ, gửi lên cục thuế. Vì vậy, có một số đơn vị chưa chuẩn bị kịp để thích ứng với sự thay đổi này.
"Bến xe cũng đã báo cáo lên Sở Giao thông vận tải để xin dời thời gian thực hiện. Hiện tại, bến xe Miền Đông vẫn tuân thủ quy định không cho xe xuất bến trong trường hợp không có vé điện tử.
Các đơn vị phải tự trang bị máy in, máy vi tính và thông qua một đơn vị khác kết nối với Tổng cục thuế để in vé. Hiện tại, khoảng 2/3 đơn vị vận tải đã áp dụng, một số đơn vị vận tải lớn đã áp dụng rất sớm và ổn định hình thức bán vé này" - ông Đạt cho biết.
Ông Lê Trung Tính chủ tịch Hiệp hội vận tải Ôtô hành khách TP.HCM nhận định, cách triển khai của các cơ quan nhà nước hiện nay đẩy các doanh nghiệp, đơn vị vận tải vào thế khó khăn, bị động!
Theo phản ánh của đơn vị Hợp tác xã xe buýt Quyết thắng (TP.HCM), nếu đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thì kinh phí cho tất cả hệ thống xe các đơn vị này lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng. Trong khi sau hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp xe buýt đang ở mức loay hoay trả nợ.
Cũng theo ông Tính, đối với công nghệ ứng dụng, nếu Bộ Tài chính hoặc Bộ Giao thông vận tải không công bố ngay từ bây giờ những bộ quy chuẩn, hoặc cung cấp danh sách các nhà đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn chuẩn, sẽ giống như đi theo vết xe cũ của việc lắp thiết bị giám sát hành trình hoặc camera, lãng phí tiền của khi thiếu sự đồng bộ hoặc tích hợp.
Ông Tính cho biết thêm, tại TP.HCM hiện có 80% doanh nghiệp, hợp tác xã là những hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ lẻ, tức là những đối tượng chưa đủ điều kiện sẵn sàng cho việc áp dụng vé điện tử. Do vậy hiệp hội đề nghị cho gia hạn thêm ít nhất 6 tháng đối với xe khách liên tỉnh và một năm đối với xe buýt, để các đơn vị có đủ thời gian và nguồn lực tổ chức mua sắm, lắp đặt thiết bị.
Thăm dò ý kiến
Trong khi Hà Nội đã triển khai thẻ đi xe bus hàng tháng, thì việc phải trả bằng tiền lẻ khi đi bus hoặc mua vé tháng bằng vé tập rồi xé lẻ đi hàng ngày đang là một trong những yếu tố khiến nhiều người còn ngại đi xe bus ở TP.HCM. Theo bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - Viện dẫn lý do giá xăng dầu tăng, nhiều nhà xe chạy tuyến TP.HCM đi các tỉnh đã tăng giá vé từ 10-20%, thậm chí có nhà xe tăng tới 50%.