Mùa mưa bão đang đến gần, khả năng an toàn của công trình thủy lợi này đang được dư luận quan tâm, thế nhưng, các hoạt động khai thác cát ngay trong lòng hồ dù được cấp phép vẫn không tuân thủ các quy định pháp luật, gây ra nhiều lo lắng, bức xúc.
Tàu hút cát "chăm chỉ" làm việc bất kể nắng mưa. Xe trọng tải lớn thì tìm cách chở cát thật đầy trước khi rời bãi. Đây là những hình ảnh thường gặp trong khu vực lòng Hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Những hình ảnh được cho là gốc rễ của câu chuyện bi hài dai dẳng ngay trên công trình thủy lợi quốc gia đặc biệt quan trọng.
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ông Bùi Văn Sơn - Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa - cho biết: "Màu tím là tàu tắt thiết bị định vị, màu xanh là tàu tạm dừng khai thác, màu tím rất nhiều". Thực tế minh chứng cho thông tin mà phần mềm giám sát cung cấp.
Không để tình trạng tàu khai thác cát, sỏi, nuôi trồng thủy sản trái phép hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Chinhphu.vn
Thực tế cũng cho thấy việc tiếp cận các mỏ cát dù đã được cấp phép với yêu cầu minh bạch, công khai cũng chẳng hề dễ dàng.
Nhân viên quản lý Hồ Dầu Tiếng nói rằng, nhiều đoàn làm việc phải báo trước với doanh nghiệp trước khi tổ chức kiểm tra giám sát, nếu không thì sẽ khó nhận được sự hợp tác.
Tỉnh Tây Ninh cấp 15 giấy phép trong tổng số 21 giấy phép khai thác cát trong lòng Hồ Dầu Tiếng, để rồi, những bất lực lan rộng ở nơi này. Những chuyến xe chở đầy cát ngày đêm tấp nập ra vào các tuyến đường. Và sự có mặt của trạm kiểm tra tải trọng ngay dưới chân đập như chỉ để tô đậm thêm bức xúc.
Mất nhiều thời gian thuyết phục, phóng viên VTV mới có thể chứng kiến từ xa một buổi làm việc của cán bộ Trạm kiểm tra tải trọng số 52. Nhưng thứ mà phóng viên ghi lại được chỉ là những hình ảnh khiến nhiều người ngán ngẩm. "Cò" cảnh giới yêu cầu các xe chở cát quay lại bãi tập kết. Sự đình trệ bất đắc dĩ ngay lập tức diễn ra.
Ông Trần Quang Hùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa - cho hay: "Khai thác cát vừa phải tuân thủ theo luật thủy lợi, vừa phải tuân thủ theo Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ môi trường. Ba luật đó chi phối trong môi trường hồ chứa. Công ty vừa qua cũng kiến nghị sở tài nguyên các tỉnh, các huyện, kể cả ngành công an, ngành giao thông nên làm sao quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát".
Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy Lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa không phải đơn vị cấp phép, cũng không có thẩm quyền xử lý sai phạm, thế nên những đề xuất, kiến nghị dù rất rõ ràng cũng khó làm vơi bớt nỗi lo.
4 giờ chiều là thời gian cao điểm của hoạt động vận chuyển cát nhưng người túc trực ở trạm kiểm tra tải trọng này thì đang bận với những thú vui riêng. Lời cảnh báo của các chuyên gia thủy lợi và nguy cơ mất an toàn cho vùng hạ du đang bị lãng quên, khi những luật ngầm cùng với sự thờ ơ cứ song song tồn tại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!