Cuối năm 2021, Hải Yến (đang sống tại Berlin, Đức) cùng chồng bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh dao bếp, khi nhận thấy nhu cầu nấu nướng tăng lên kể từ khi đại dịch bùng phát. Chồng của cô là Daniel Schechter, hiện làm trong lĩnh vực logistics, hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của vợ. Họ nghiên cứu và tự thiết kế các mẫu dao rồi chuyển cho một xưởng rèn ở Cao Bằng, Việt Nam làm theo. Toàn bộ quá trình rèn dao đều được làm thủ công.
Thương hiệu dao Heritedge Viet Crafts của Hải Yến ra đời khi đó đã tạo được nhiều ấn tượng trong cộng đồng người Việt nói riêng và người tiêu dùng ở Đức nói chung. Một tờ báo địa phương cũng đã tìm gặp và phỏng vấn Hải Yến để nghe cô chia sẻ về hành trình mang đồ thủ công Việt Nam ra thế giới.
Dao Long, Rùa, Hạc, Chép…
Hải Yến gặp chồng cách đây 10 năm khi anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội. Năm 2015, Yến đi du lịch bụi bằng xe máy tới một số tỉnh miền Đông Bắc, nơi có các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có làng dao truyền thống của người Nùng. Cô mua một con dao về dùng và đến bây giờ vẫn rất thích chiếc dao đó.
Kết hôn năm 2017, đến 2019 thì Yến cùng chồng về Berlin sinh sống. Hai vợ chồng Yến rất hứng thú với thương mại quốc tế và luôn muốn đem sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường lớn hơn. Từ trải nghiệm sống tại Việt Nam, Yến và chồng quyết định thành lập công ty để kinh doanh dao. Ý tưởng hình thành từ khá sớm, nhưng phải đến 2021, cô mới thật sự bắt tay vào làm.
Yến bắt đầu tìm hiểu về nghề rèn ở Việt Nam nói chung và tại Cao Bằng nói riêng, nơi có cộng đồng người Nùng vốn làm rèn từ thế kỷ 11. Theo một số nghiên cứu, họ thậm chí còn bắt đầu sớm hơn, và đến nay vẫn có một bộ phận người duy trì truyền thống đó. Làng dao trước có thời rèn vũ khí như đao, kiếm rồi chuyển đổi theo thời gian. Hiện tại sản phẩm chủ yếu của họ là công cụ lao động, dao, với nhiều mẫu mã đa dạng, kiểu truyền thống của Việt Nam.
Nhờ các mối quan hệ ở quê nhà, Yến tìm và kết nối được với một số lò rèn mà nay đang là nơi đảm nhiệm sản xuất cho thị trường cô khai thác. Giai đoạn đầu khá khó khăn, mẫu dao do bên Yến tự lên thiết kế, gửi về nhà để làm, vận chuyển mẫu qua lại Việt Nam - Đức, tìm tòi những điểm chưa được, thảo luận, rồi gửi lại. Phải mất khoảng hơn 6 tháng, sản phẩm mới chính thức ra đời. Đó là các mẫu dao độc quyền cho thị trường châu Âu, với sự kết hợp độc đáo: Dao châu Á nhưng dành cho ẩm thực Đức.
Vì kết nối trực tiếp với lò rèn nên Yến không cần phải qua khâu trung gian, cũng nhờ thế mà giảm thiểu được giá thành.
Nhiều năm trở lại đây, do ít việc làm, thu nhập không ổn định thế hệ trẻ ở Cao Bằng không còn mặn mà với nghề rèn. Yến rất muốn sản phẩm thủ công của Việt Nam được nhiều người biết đến, hiểu và sử dụng, qua đó góp phần gìn giữ làng nghề, hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đó là động lực đầu tiên để Yến bắt đầu mô hình kinh doanh này.
Đến nay, Hải Yến đã đưa ra thị trường 7 loại dao, nhưng khác với dao thủ công bán ở Việt Nam, cô "khoác" thêm cho sản phẩm của mình những chiếc áo đẹp hơn, bằng cách đóng hộp cẩn thận, sử dụng túi bọc chỉn chu. Mẫu dao của Hải Yến có điểm đặc biệt, đó là không gọi theo mã số mà đều quản lý theo tên, như Long, Rùa, Hạc, Chép… tất cả đều bắt nguồn từ thần thoại của nước Việt với mô tả đính kèm bên trong hộp. Như vậy mỗi khách hàng mua dao, đều được biết thêm về văn hóa Việt Nam.
Công ty của Yến kinh doanh hai loại dao, một là dao thép không gỉ và hai là dao thép carbon. Với loại dao đầu tiên, ở Đức vốn đã có rất nhiều nhưng vì muốn tiếp cận đa dạng khách hàng hơn nên Yến vẫn chọn làm, coi như là mở rộng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng. Tâm điểm mà Yến hướng đến là dao thép carbon, loại dao mà nếu là người Việt, sẽ ít ai còn thấy xa lạ nữa. Nó có màu ghi sẫm, không sáng bóng như thép không gỉ nhưng rất sắc bén, khi cùn cũng dễ mài lại.
Lưỡi dao được rèn từ nhíp xe của các loại xe ôtô cũ nên có độ cứng cao. Dao làm bằng tay, người thợ phải dùng búa nện lên thép nhiều lần, khiến bề mặt dao không phẳng nhẵn như cắt bằng máy công nghiệp. Đó là đặc điểm riêng sản phẩm, có thể hơi xù xì nhưng những đồ thủ công nói chung đều có tì vết như thế. Bù lại, khi cầm dao lên, người dùng có thể sẽ thấy nó rất đặc biệt, như là có câu chuyện riêng.
Cán dao cũng có nguồn gốc không giống như bình thường, chúng được làm từ gỗ nghiến, mà thực ra là gỗ lấy từ trụ của những ngôi nhà sàn cũ đã bị dỡ bỏ. Các vùng cao phía Bắc Việt Nam nghèo về tài nguyên, điều kiện thời tiết khó khăn nên luôn tận dụng với những gì sẵn có. Cột trụ để làm nhà vốn đã được người dân địa phương lựa chọn kỹ càng nên chất lượng gỗ rất tốt, độ bền cao. Điều này làm cho mỗi con dao là phiên bản độc nhất vô nhị, không thể có hai chiếc giống nhau.
Tìm chỗ đứng cho dao Việt Nam trên quê hương đồ gia dụng 'sang chảnh'
Đức được thế giới coi là quê hương của đồ gia dụng, mà đặc biệt là dao Đức vốn nổi tiếng khắp nơi nhờ chất lượng tốt, mẫu mã sang trọng. Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào những con dao của Hải Yến có thể cạnh tranh được trên thị trường này?
Theo Yến, hàng hóa ở Đức không thiếu thứ gì, cả sản phẩm bản địa lẫn mọi loại dao khác từ khắp nơi trên thế giới đều có thể được tìm thấy tại đây. Đức có rất nhiều thương hiệu dao nổi tiếng như Zwilling, Wüsthof, WMF và rất nhiều vùng làm dao, như Solingen là một ví dụ. Chất liệu dao Đức chủ yếu là thép không gỉ, với bề mặt sáng loáng và gần như không có tì vết.
Khi Yến mang dao thép carbon sang Đức, có rất nhiều người tỏ ra hiếu kỳ. Người Đức rất thích những sản phẩm được xác nhận nguồn gốc, muốn tìm hiểu xem nó có gì khác so với những thứ họ đang có trên đất nước họ. Với dao thép nhíp carbon, dù chưa bao giờ dùng nhưng họ vẫn muốn thử nghiệm nó vì thích tính chân thực của sản phẩm. Đó là lý do Yến đi từ việc muốn đưa sản phẩm thủ công của nước mình sang thị trường nước ngoài và kỳ vọng nó sẽ khơi dậy được sự hứng thú.
Người Đức nói chung thích dùng những con dao nặng tay, kiểu cán ốp làm bằng nhựa đặc cán đinh. Khi cầm dao nặng sẽ có cảm giác cắt hoặc là chặt rất dễ, thế nhưng, với những loại dao không dựa vào trọng lượng thì lưỡi dao phải rất bén vì nếu không sẽ khiến người dùng nhanh mỏi tay.
Hải Yến tự tin dao thép carbon của mình có thể giải quyết được vấn đề này, dù nhược điểm của dao không phải không có, dễ thấy nhất là khi cắt đồ có tính axit cao hơn một chút sẽ bị ố, xỉn. Thế nhưng, bỏ qua phần ngoại hình, nếu đã dùng quen dao thép carbon thì sẽ không muốn đổi sang dao công nghiệp nữa.
Dao thủ công ở Đức có giá dao động 400 - 500 euro trong khi dao thủ công Nhật Bản thì rơi vào khoảng 200 - 300 euro. Còn về phía Yến, cô đặt mục tiêu không bán giá quá cao, chỉ dưới 100 euro. Lợi thế của cô là không qua trung gian nên sẽ dễ duy trì mức giá này. Chồng Yến cũng là một người yêu văn hóa ở quê hương vợ, anh thường nói nếu mua dao từ vùng Cao Bằng mà nhà anh đang bán, khách hàng không chỉ mua dụng cụ nấu bếp, mà còn mua cả lịch sử nghề rèn nhiều thế kỷ ở Việt Nam.
Tại Đức, ngoài dao công nghiệp được sản xuất hàng loạt thì thị trường dao thủ công cũng khá sôi động, dao thủ công Việt Nam cũng đã được bán tại đây, nhưng chưa mở rộng nhiều. Hải Yến hiện chưa có cửa hàng trực tiếp mà mới đang dừng ở bán online. Cô thu hút sự chú ý bằng cách làm nội dung và hình ảnh thật tốt trên Facebook và Instagram. Sắp tới, sản phẩm của Yến sẽ có mặt tại khu chợ hàng thủ công tại Berlin như Steglitz-Zehlendorf, Mauerpark...
Có một tín hiệu đáng mừng là hiện các cửa hàng đầu tiên mà Hải Yến gửi dao tới bán đều mong muốn hợp tác thêm. Doanh thu trong năm đầu tiên cũng rất khả quan và Yến hy vọng có thể làm tốt hơn trong năm sau.
Sản lượng dao Yến nhập sang Đức nếu để so với các doanh nghiệp khác thì có vẻ nhỏ hơn nhưng quan điểm của cô là thăm dò thị trường theo từng bước, vừa làm hài lòng khách hàng và cũng đồng thời dành thời gian để xưởng ở Việt Nam có thể rút kinh nghiệm và làm tốt hơn.
Đối tác nổi tiếng mà Hải Yến đang kết hợp kinh doanh là đầu bếp Mike Süsser từ một chương trình ẩm thực trên truyền hình. Yến cho rằng sản phẩm nếu được sử dụng bởi những đầu bếp chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ được đánh giá chính xác hơn.
Yến nói đầu bếp ở Đức có nhiều người rất thú vị, họ thể hiện quan điểm nấu ăn hoặc sử dụng nguyên liệu rất rõ ràng. Có người chuyên về đồ chay (cái này ở Việt Nam cũng có), thuần chay, hoặc cũng có người theo trường phái giảm thiểu lãng phí, tận dụng triệt để nguyên liệu trong nấu ăn. Khi họ dùng dao, cảm nhận của họ sẽ viết thêm cho chiếc dao đó một câu chuyện, khiến nó đặc biệt hơn.
Chủ trương khác của Yến là cũng tiếp cận thêm với những người làm kinh doanh ẩm thực nhưng không có kỹ thuật nấu ăn để nghe suy nghĩ của họ về dụng cụ dao. Mỗi sản phẩm nếu được phản ánh từ nhiều chiều thì sẽ ngày càng hoàn thiện.
Theo Phương Kim
NĐH
Xem thêm: nhc.77230928040702202-peb-od-os-ux-gnas-gnab-oac-oad-mahp-nas-aud-cud-gnohc-teiv-ov/nv.zibefac