Dùng ngân sách không hợp lý
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp xử lý bất cập các trạm thu phí thuộc dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 (đoạn qua Cần Thơ) theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Trong đó, Bộ GTVT đã có đề xuất với Chính phủ hai phương án để giải quyết vướng mắc thu phí tại hai trạm thu phí BOT trên tuyến Quốc lộ 91 (đoạn qua Cần Thơ). Theo đó, phương án một là bỏ trạm thu phí số hai (trạm T2) và tiếp tục thu phí tại trạm thu phí số một (trạm T1) trên Quốc lộ 91. Theo phương án này, Nhà nước không phải bỏ tiền thanh toán cho nhà đầu tư.
Thế nhưng việc thu bằng một trạm thu phí còn lại (trạm T1) sẽ không khả thi về phương án tài chính cho nhà đầu tư theo hợp đồng, không thể đủ hoàn vốn, không xử lý dứt điểm tồn tại của dự án. Phương án hai, Bộ GTVT đề xuất chấm dứt hợp đồng trước hạn, Nhà nước bố trí vốn ngân sách khoảng 1.879 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, xóa bỏ cả hai trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 91. Phương án này giải quyết triệt để các tồn tại, vướng mắc của dự án, đáp ứng các quy định của hợp đồng và quy định liên quan tới hợp tác công - tư, khả thi để thực hiện. Tuy nhiên, Nhà nước phải bỏ tiền ngân sách để trả nhà đầu tư.
Qua phân tích, Bộ GTVT ưu tiên chọn phương án hai, đảm bảo khía cạnh pháp lý, lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người dân, giải quyết các vướng mắc của dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu cân đối nguồn vốn phù hợp, khả thi trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục thanh toán vốn Nhà nước thực hiện theo các quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 (đoạn km14 đến km50+889 trên địa phận TP.Cần Thơ và An Giang) được nhà đầu tư là liên danh Tổng công ty phát triển Khu công nghiệp và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO thực hiện. Sau khi cải tạo, nâng cấp khoảng 30km từ nền đường rộng 6 - 7m lên 12m với tổng mức đầu tư khoảng 1.588 tỷ đồng. Đến tháng 4-2016, dự án hoàn thành và nhà đầu tư tổ chức thu phí tại trạm T1 (km16+905 Quốc lộ 91) để hoàn vốn đầu tư, thời gian thu phí (15 năm, 9 tháng, 25 ngày). Nhưng đến tháng 7-2017, người dân dừng xe phản đối tại trạm thu phí T1 và T2, gây mất an ninh, trật tự, ách tắc giao thông. Trước tình hình bất khả kháng, nhà đầu tư đã phải dừng thu phí tại trạm T2 từ ngày 25-5-2019.
Tổng cục Đường bộ đánh giá, từ khi dừng thu phí tại trạm T2, chỉ thu phí tại trạm T1, doanh thu dự án BOT Quốc lộ 91 sụt giảm rất lớn, năm 2020 đạt 50% và năm 2021 còn 36% doanh thu so với phương án tài chính và tiếp tục giảm do các tuyến đường khác được đầu tư, khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ phá sản. Hiện ngân hàng đã đưa khoản vay của dự án vào nhóm nợ có khả năng mất vốn, nợ xấu. Do đó, theo Bộ GTVT, việc không được thu phí tại trạm thu phí T2 và ảnh hưởng đến việc thu phí tại trạm T1 hoàn vốn cho dự án được xem là trách nhiệm giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và là tình huống bất khả kháng do các bên không thể lường trước và không thuộc về lỗi của nhà đầu tư...
Theo người dân, trạm thu phí T2 dự án mở rộng Quốc lộ 91 đặt trên địa bàn quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ có bất hợp lý vì cách trạm thu phí T1 chưa đến 40km, mức thu lại cao hơn mức thu đường cao tốc, trong khi đó đây chỉ là đường nâng cấp và mở rộng. Lãnh đạo Hiệp hội ôtô tỉnh An Giang bức xúc: "Tuyến đường di chuyển từ TP.Long Xuyên, An Giang đi TP.Rạch Giá, Kiên Giang qua Quốc lộ 80 chỉ sử dụng 100m đường Quốc lộ 91 cũng bị thu phí 100% như các xe sử dụng Quốc lộ 91. Đối với phương tiện vận chuyển vận tải công cộng như xe buýt đi qua trạm thu phí làm giá vé tăng lên và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân. 100m mà thu đủ, đối với 1 xe tải 15 tấn đi và về đã thu 400 nghìn đồng. Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị và hy vọng sau đợt này sẽ có cách giải quyết hợp tình, hợp lý”.
Còn nhiều trạm thu phí bất hợp lý
Tại báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, kết quả rà soát trạm thu phí của toàn bộ 70 dự án BOT cho thấy, có 21 trạm thu phí có bất cập được phân thành 4 nhóm theo tính chất dự án BOT/trạm thu phí. Trên cơ sở kết quả đánh giá bất cập, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư áp dụng nhiều giải pháp để xử lý vướng mắc, bất cập như di dời trạm thu phí về vị trí phù hợp; di dời trạm về tuyến tránh; bổ sung trạm thu phí trên tuyến tránh để tách riêng phần hoàn vốn cho đường hiện hữu và cho tuyến tránh; gộp trạm có khoảng cách quá gần nhau; thực hiện miễn giảm phí cho các phương tiện của người dân khu vực lân cận trạm...
Bộ GTVT cho rằng, đến nay tổng số 21 trạm BOT có vướng mắc, bất cập, Bộ GTVT đã xử lý theo thẩm quyền được 16/21 trạm. Còn lại 4 trạm, do tính chất đặc thù (đã khai thác chưa thu phí) nên giải pháp xử lý bất cập liên quan đến một số nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể nên vượt thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT, gồm: trạm BOT Bỉm Sơn trên
QL1, tỉnh Thanh Hóa; trạm Bờ Đậu trên QL3, tỉnh Thái Nguyên; trạm La Sơn - Túy Loan trên cao tốc Bắc - Nam (đoạn La Sơn - Túy Loan, tỉnh Thừa Thiên Huế); trạm T2 trên QL91 (TP.Cần Thơ).
Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu nhiều giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, do tính chất đặc thủ của các trạm thu phí này nên các giải pháp đều không thể xử lý triệt để bất cập. Đến nay, các dự án BOT liên quan đến 4 trạm thu phí này đều đã đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên để xử lý triệt để cần phải bố trí vốn Nhà nước nên vượt thẩm quyền của Bộ GTVT.
Sau khi nghiên cứu kỹ các quy định của hợp đồng dự án, các quy định của pháp luật, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xem xét thông qua để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép: sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nhằm giải quyết 3/4 trạm thu phí (trạm Bỉm Sơn trên QL1, trạm Bờ Đậu trên QL3 và trạm T2 trên QL91). Bên cạnh đó, bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác nhằm thay thế quyền thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan.
Đến nay, các Bộ, ngành và địa phương đã cơ bản thống nhất về sự cần thiết và các giải pháp xử lý. Nhưng, do một số nội dung pháp luật hiện nay chưa quy định và chưa xác định nguồn vốn để xử lý. Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý của từng dự án, đồng thời đề xuất nguồn vốn phù hợp để hoàn thiện Báo cáo trình Chính phủ cho ý kiến trước khi báo cáo Quốc hội xem xét quyết định (dự kiến Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tháng 10-2022).
Đối với dự án BOT phương án tài chính bị phá vỡ (gồm 2 dự án có doanh thu quá thấp là dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà, Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk) và 1 dự án không thể triển khai thu phí (dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi): Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn Nhà nước thanh toán chi phí đầu tư để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn (tương tự như giải pháp đề xuất đối với 3/4 trạm bất cập nêu trên). Ngoài ra, hiện còn 3 dự án BOT khác tiềm ẩn nguy cơ phát sinh phá vỡ phương án tài chính, cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước gồm trạm BOT Cai Lậy, trạm BOT Quốc lộ 26 và trạm BOT cầu Văn Lang nối TP.Việt Trì và huyện Ba Vì.
Theo kiến nghị của bộ, trách nhiệm của các cán bộ có liên quan đến các DA BOT không hợp lý gây lãng phí, mất an ninh trật tự vẫn chưa được xem xét. Bởi lẽ, một DA BOT được triển khai thì nhiều công đoạn được kiểm tra nhưng vẫn không phát hiện những bất cập thì liệu có hợp lý?
Xem thêm: lmth.874331_ob-nac-meihn-hcart-tex-mex-auhc/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc