James Duffy (25 tuổi) thường đến quán café vào cuối tuần để thưởng thức một ly Americano và đọc sách. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng nóng, thói quen "đi chill" này của Duffy cũng bị ảnh hưởng. Anh bắt đầu giảm dần số ngày đến quán café vào đầu năm nay. Giờ đây, Duffy tự pha cafe ở nhà để phần nào tiết kiệm tiền khi giá xăng cùng nhiều loại hàng hóa tăng. Anh chia sẻ hiện tại anh ở nhà nhiều hơn, hạn chế ra ngoài đi dạo và tụ tập với bạn bè.
Duffy cũng giảm chi tiêu đối với các loại hàng tạp hóa anh mua hàng ngày, ngay cả với những món đồ nhỏ nhất. Anh chia sẻ: "Hiện tại, tôi phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ càng về việc liệu mình có thực sự cần mua thêm gói khoai tây chiên này hay không. Tôi đã ‘gắn bó’ hơn với thói quen chi tiêu."
James Duffy giờ đây tự pha cafe thay vì thường xuyên đến cửa hàng như trước đây.
Giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,6% trong tháng 5, ghi nhận mức cao chưa từng có trong 4 thập kỷ. Nhiều người Mỹ - không thể hoặc không muốn chi trả cho mức giá cao hơn, đang bắt đầu cắt giảm một số hoạt động mua sắm và đi chơi.
Theo cuộc khảo sát mới nhất của Conference Board, triển vọng ngắn hạn của người tiêu dùng đối với nền kinh tế Mỹ đã đạt mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ. Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác về tâm lý người tiêu dùng cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá cả tăng cao đang khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, trong khi đây lại là động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Bộ Thương mại cho biết chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ đã ghi nhận tốc độ tăng chậm nhất trong năm nay vào tháng 5.
Số liệu chi tiêu thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của hãng dữ liệu Earnest Research cho thấy, tình trạng hoạt động chi tiêu sụt giảm vẫn tiếp tục xảy ra. Cụ thể, số tiền được chi trả tại các cửa hàng bán lẻ giảm một chút vào đầu tháng 6 so với tháng 5.
Trong bối cảnh đó, xu hướng cắt giảm chi tiêu của người dân sẽ gây áp lực cho đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ - vốn đã có dấu hiệu giảm tốc. Nhiều chuyên gia dự báo ngày càng lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái do tác động của lạm phát và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất.
Khi Elizabeth Ray (46 tuổi) nhận thấy chi phí sưởi ấm trong mùa đông cao hơn, chị chia sẻ rằng mọi thứ đối với mình đã lên đến đỉnh điểm. Ray khi đó nhận ra rằng chị cần bắt đầu sắp xếp lại kế hoạch chi tiêu của mình.
Ray cho biết, quần áo là một trong những mục đầu tiên trong danh sách những mặt hàng cần cắt giảm chi tiêu. Chị dự định sẽ mặc đồ tập thể dục – loại quần áo chị đã mua nhiều trong thời gian đại dịch xảy ra. Ngoài ra, Ray cũng giảm tần suất ăn uống ở bên ngoài, đây là sự thay đổi lớn so với thời điểm trước đó trong đại dịch.
Cư dân Philadelphia chia sẻ: "Tôi thường đi dạo 1 mình vài lần 1 tuần, mua đồ ăn, gọi đồ uống và boa cho nhân viên phục vụ. Còn giờ đây, tôi phải ‘trốn chạy’ và tiết kiệm nhiều nhất có thể."
Trong cuốn "Beige Book" mới nhất, hơn 1 nửa trong số 12 chi nhánh của Fed cho biết người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu trước xu hướng hiện tại. Một đại lý ô tô hạng sang ở phía mắc Missisippi cho biết người mua đang tìm kiếm những loại xe nhỏ hơn, có khả năng tiết kiệm nhiên liệu cho do giá xăng dầu tăng. Theo AAA, giá xăng trung bình tại Mỹ đã tăng lên gần 5 USD/gallon vào đầu tháng 7, từ khoảng 3 USD vào 1 năm trước đó.
Đối với Eileen Pollock, 70 tuổi, giá xăng tăng chóng mặt cũng đồng nghĩa với việc bà ít ghé thăm thư viện hơn, khoảng cách của chuyến đi này là khoảng 8 km khứ hồi. Bà hiện chỉ đến thư viện 1 hoặc 2 lần mỗi tuần. Những chuyến đi như vậy là một trong những thói quen thường nhật của Pollock vì bà thường đi lấy sách cho cháu. Bà chia sẻ: "Tôi đến đó thường xuyên và chưa từng e ngại về chi phí khi di chuyển."
Bà Pollock quyết định ở nhà nhiều hơn thay vì đến thư viện 8 km mỗi ngày.
Ngoài ra, bà cũng cắt giảm chi tiêu cho những hoạt động giải trí trong vài tháng gần đây. Ví dụ, bà cân nhắc đưa cháu gái đi xem sự kiện nhạc giao hưởng "Phù thủy xứ Oz" nhưng giá vé cùng phí đậu xe lại quá đắt. Do đó, bà quyết định tự kể chuyện và hát cho cháu gái mình.
Trong khi đó, chi tiêu đối với các mặt hàng có giá trị lớn cũng trở nên ảm đạm hơn. Đa số người Mỹ cho rằng đây là thời điểm không phù hợp để mua một chiếc ô tô hoặc mua nhà, khi phần lớn cho rằng mức giá hiện tại đang quá cao, theo dữ liệu của cuộc khảo sát của Đại học Michigan. Bộ Thương mại Mỹ cho biết, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu đối với các loại hàng hóa không thiết yếu như đồ nội thất và điện tử.
Theo Earnest, người tiêu dùng ở mọi nhóm thu nhập đã cắt giảm chi tiêu trong thời gian gần đây. Nhóm lao động kiếm được dưới 100.000 USD/năm đã "thắt lưng buộc bụng" với tốc độ nhanh nhất trong các nhóm từ cuối tháng 5 đến tuần kết thúc ngày 15/6. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu cho các buổi ăn uống ở ngoài so với 1 năm trước.
Né tránh ăn uống ở nhà hàng, nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn phải chịu áp lực khi giá hàng hóa ở các siêu thị tăng cao, giá thực phẩm đã tăng 11,9% trong tháng 5 so với 1 năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1979. Do đó, người tiêu dùng cũng thay đổi thói quan mua sắm. Ví dụ, khách hàng ở Whole Foods đang lựa chọn các loại cá tươi có giá thấp hơn.
Joëlle Harris (48 tuổi) cho biết bà đã ngừng mua thịt bò. Bà và chồng trước đây thường xuyên ăn bít tết, nhưng giờ đây họ lựa chọn những loại thịt khác có giá thấp hơn, như thịt thăn heo, để chế biến nhiều món ăn.
Trong khi đó, Ray trước đây thường sử dụng nến thơm và máy phun sương tinh dầu trong văn phòng của mình. Song, chị đã ngừng mua sản phẩm này trong nhiều tháng nay. Ray chia sẻ: "Tôi không thấy ánh sáng phía cuối đường hầm lạm phát. Dường như mọi thứ chỉ tối tăm hơn."
Tham khảo WSJ
http://tintuc.vdong.vn/07/1412448.htm