Đoàn người biểu tình tuần hành dọc theo đại lộ Sejong ở Jung-gu, Seoul dưới cái nắng hơn 33 độ C trưa 3-7 - Ảnh: Hãng tin YONHAP
Báo Chosun Ilbo ngày 4-7 đưa tin hàng nghìn người dân lao động cũng như các thành viên Liên đoàn Công nhân xây dựng quốc gia thuộc KCTU đã tổ chức một cuộc biểu tình tại quảng trường trước tòa thị chính Seoul ở Jung-gu, thủ đô Seoul lúc 15h30 ngày 3-7.
Đồng thời, một vài công đoàn thuộc Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc như Công đoàn Vận tải công cộng, Công đoàn Xây dựng và Công đoàn Chuyển phát nhanh quốc gia cũng tổ chức các buổi biểu tình nhỏ ở khu vực gần ga Tòa thị chính lúc 12h trưa (giờ địa phương).
Những người tham gia biểu tình giơ các biểu ngữ kêu gọi chính quyền Tổng thống Yoon Seok Yeol phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp nhằm cải thiện quyền của người lao động, đảm bảo điều kiện làm việc và tăng mức lương tối thiểu cho người lao động trong bối cảnh lạm phát đang ngày càng gia tăng ở nước này.
Người biểu tình tuần hành xung quanh khu vực đặt Văn phòng tổng thống và giải tán lúc 16h30 chiều cùng ngày.
Trước đó, trưa 2-7, hơn 60.000 người đã tổ chức một cuộc biểu tình khác tại quảng trường trước Tòa thị chính Seoul.
Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong 7 năm gần đây. Cuộc biểu tình quy mô lớn gần nhất diễn ra vào tháng 11-2015 nhằm phản đối một loạt chính sách của chính phủ thời tổng thống Park Eun Hye. Có hơn 80.000 người tham gia cuộc biểu tình này.
Sự kiện ngày 2 và 3-7 vừa qua cũng là các cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên do KCTU tổ chức kể từ khi Tổng thống Yoon Seok Yeol nhậm chức vào ngày 10-5.
Dòng người tham gia biểu tình tập trung đông đúc tại các con đường gần Tòa thị chính Seoul, khiến giao thông khu vực trung tâm thủ đô Seoul ùn tắc suốt từ 10h sáng đến hơn 16h ngày 2-7 - Ảnh: DONGA ILBO
Bên cạnh vấn đề tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, KCTU cũng đang chỉ trích và phản đối mạnh mẽ chính sách tuần làm việc 52 giờ vừa được chính quyền Tổng thống Yoon đề ra khi công bố các định hướng chính sách kinh tế hôm 24-6.
Thực tế, đề xuất tuần làm việc 52 giờ đã được đưa ra năm 2018 dưới thời chính quyền cựu tổng thống Moon Jae In, nhưng đã bị một số người chỉ trích vì không đáp ứng được nhu cầu của cả doanh nghiệp và người lao động.
Trước đó, phía cảnh sát Hàn Quốc đã ra thông báo cấm tất cả các cuộc tụ họp của KCTU và sẽ huy động tất cả lực lượng cảnh sát sẵn có để ứng phó với các cuộc biểu tình trái phép.
Tuy nhiên, một ngày trước cuộc biểu tình trước Tòa thị chính Seoul hôm 2-7 vừa qua, chính quyền thành phố Seoul đã cho phép KCTU tổ chức biểu tình có điều kiện, với yêu cầu phải đăng ký số lượng người tham gia biểu tình cũng như các tuyến đường sẽ tổ chức tuần hành.
TTO - Ngày 1-7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên tiếng trấn an việc Hàn Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần qua tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hoàn toàn không nhắm vào bất kỳ bên nào, trong đó có Trung Quốc.
Xem thêm: mth.19710355140702202-auq-man-7-gnov-gnort-couq-nah-o-tahn-nol-gnoul-gnat-iod-hnit-ueib/nv.ertiout