Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP
Chiều 4-7, kết luận hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp tháng 6 của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 tháng qua trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, chúng ta đạt một số kết quả rất tích cực trên các lĩnh vực.
Giải quyết bình tĩnh, thận trọng, hiệu quả các vấn đề phát sinh
Trong đó, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, 44/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng trên 6% cho thấy sự tăng trưởng đồng đều ở các khu vực, địa phương; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm trong điều kiện khó khăn...
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư công và nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng...
Đồng thời giải quyết bình tĩnh, thận trọng, có hiệu quả các vấn đề phát sinh, các vấn đề tồn đọng như việc xử lý các ngân hàng yếu kém, 12 dự án thua lỗ, dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1...
Tuy nhiên theo Thủ tướng, tình hình thế giới còn tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro, tác động tới Việt Nam như giá cả xăng dầu, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, giải ngân đầu tư công còn nhiều vướng mắc, bất cập...
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Đánh giá nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, Thủ tướng nêu rõ: "Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay".
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, xây dựng đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Các ý kiến tại hội nghị thống nhất với phương án, kịch bản tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7% trong năm nay.
Thủ tướng nêu rõ thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn và thận trọng, bảo đảm ổn định tỉ giá, lãi suất, thị trường ngoại hối, tiền tệ, tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng...
Ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…, tích cực báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh thuế đối với xăng dầu. Nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng.
Bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi nghị định 153 chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; báo cáo cấp có thẩm quyền đề án đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Quản lý chặt chẽ giá cả, phòng chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống...
Khẩn trương xây dựng đề án huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi và phát triển; danh mục các dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển trong lĩnh vực y tế... Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Tăng cường thực hiện các biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động.
Tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn lịch sử ở cấp THPT.
Ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với vấn đề học phí và giá sách giáo khoa, tinh thần chung giảm chi phí, không gây khó khăn hơn cho học sinh, phụ huynh...
TTO - Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng năm 2022 còn một số khó khăn cần tiếp tục giải quyết như dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần giải pháp phù hợp.