Như Thanh Niên số ra ngày 4.7 phản ánh, tình hình thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại TP.HCM và cả nước lan rộng, kéo dài. Thời gian này, nhiều bệnh nhân (BN) đi vào bệnh viện (BV) phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế còn những BN không thuộc diện cấp cứu thì bị trì hoãn mổ…
Hàng loạt bệnh viện, trung tâm y tế thiếu thuốc
Những tưởng các BV chỉ thiếu biệt dược, thuốc hiếm nhưng theo khảo sát của PV Thanh Niên tại các BV ở TP.HCM, ngay cả vitamin C, nước muối nhỏ mắt cũng thiếu. Nhiều nơi thiếu cả vật tư tiêu hao mổ chấn thương chỉnh hình, mổ tim, mổ ung bướu, thậm chí lọ đựng nước tiểu.
Hầu hết các BV đa khoa, chuyên khoa ở TP.HCM đều gặp phải tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đơn cử, BV Truyền máu - Huyết học thiếu những thuốc hiếm nhập khẩu, chưa được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) phê duyệt dù đã nộp hơn 6 tháng; BV này cũng thiếu 2 thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh bạch cầu cấp dòng lympo, dòng tủy. BV Ung bướu thiếu 2 loại thuốc ung thư. BV đa khoa Sài Gòn thì một số thuốc giá trị thấp BV không mua được, nên phải kê toa để BN ra ngoài mua; ngay cả dung dịch thụt tháo nhưng BV vẫn phải cho ra ngoài mua...
Bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ thuốc điều trị NHẬT THỊNH |
Trong khi đó, nhiều BV quận, huyện ở TP.HCM thiếu thuốc vì… nợ. BV TP.Thủ Đức thì 1 tháng trước có 2 loại thuốc đứt hàng do vướng công nợ nên công ty không cung cấp, BV đã thương thảo và mới có hàng. Trung tâm y tế Q.10 thiếu một số thuốc, muốn mua mà không công ty nào bán vì nợ quá nhiều; ngay cả nước muối nhỏ mắt cũng không có.
Theo Phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TP.HCM), nhiều loại thuốc hiếm thì tình hình cung ứng chưa có dấu hiệu có hàng nhanh, còn các loại vật tư tiêu hao, vướng là do thủ tục trong đấu thầu. Với vật tư, chất lượng có sự khác biệt dù cùng nhóm, cái mua được thì khó sử dụng. Do đó, cần có lộ trình và thời gian để điều chỉnh vật tư trong cùng nhóm có sự tương đương về chất lượng.
Thực tế qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc thiếu thuốc trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra từ 2 - 3 tháng nay. Một cuộc khảo sát của ngành chức năng tại TP.HCM cho thấy 33/55 BV, đơn vị báo cáo tình hình thiếu thuốc. Cụ thể gồm 9/10 khối BV đa khoa (trừ BV An Bình), 19/22 BV chuyên khoa, 5 BV quận, huyện (Q.4, Q.6, Q.8, Trung tâm y tế Q.10, H.Cần Giờ).
Nhiều kiến nghị vẫn còn… kiến nghị
Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo các BV, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, Sở không đồng ý với các BV “đối với những bệnh cơ bản mà chuyển BN lên tuyến trên một cách vô tư với lý do hết thuốc, vật tư”. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng sẽ kiểm tra việc bác sĩ kê đơn cho BN ra ngoài mua thuốc sử dụng theo ý bác sĩ.
Việc mua sắm hiện nay với các BV là như “ngồi trên đống lửa”, họ bộc lộ sự lo lắng, sợ hãi vì không biết mình làm sai chỗ nào cho đến khi bị thanh tra, kiểm toán. Trong khi đó, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khẳng định các BV trên địa bàn TP.HCM có thiếu thuốc nhưng đây là các vấn đề đã tồn tại từ rất lâu do nhiều nguyên nhân khác nhau, chứ không phải do sợ sai mà không dám tổ chức đấu thầu, hoặc đấu thầu muộn như một số phản ánh.
Đề cập các nguyên nhân, theo ông Thượng, ngành y tế TP.HCM luôn bị động đối với một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do không có nhà cung ứng vì ngừng sản xuất. Các BV trên địa bàn còn bị động trong vấn đề mua sắm thuốc thuộc danh mục đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia (công việc này do Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện theo quy định). Nếu chờ có kết quả của trung tâm này thì khả năng thuốc bị thiếu. Nếu chủ động đấu thầu thì có khả năng gặp khó khăn trong thanh toán khi trung tâm có kết quả đấu thầu với giá thấp hơn giá mua của các BV đã đấu thầu trước đó.
Nói về giải pháp khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế, theo lãnh đạo Sở Y tế, bên cạnh các giải pháp trước mắt là đẩy mạnh mua sắm thuốc, vật tư trực tiếp hoặc đấu thầu nhanh nhất nhằm phục vụ kịp thời cho BN, Sở trình UBND TP.HCM xem xét và phê duyệt đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế, và dự kiến trong tháng 7.2022 sẽ triển khai sau khi được Sở Nội vụ thẩm định. Nếu được thông qua thì TP.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình này.
Trước tình hình khó khăn, vướng mắc trong mua thuốc, vật tư y tế và quản lý nhà nước của ngành y tế, Sở Y tế TP.HCM còn kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ ngân sách cho ngành y tế trong việc dự trữ một số thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh. Sớm hiện thực hóa Đề án xây dựng Khu công nghệ y - dược kỹ thuật cao để hạn chế việc lệ thuộc nhập khẩu một số thuốc, vật tư y tế trong cấp cứu và điều trị chuyên sâu.
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục rút ngắn thời gian gia hạn số đăng ký đối với các thuốc đã hết hạn số đăng ký. Xem xét và rút ngắn thời gian cấp phép nhập khẩu chuyến đối với những thuốc chưa có số đăng ký. Xem xét, cấp số đăng ký đối với những thuốc thường xuyên phải xin phép nhập khẩu chuyến. Chỉ đạo Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia rút ngắn thời gian đàm phán giá, đấu thầu tập trung để các BV kịp thời ký hợp đồng mua sắm với các nhà cung cấp, tránh gây gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, chăm sóc người bệnh. Cần có chính sách đặt hàng cho các nhà sản xuất trong nước ưu tiên sản xuất các loại thuốc cấp cứu, đặc trị (như huyết thanh kháng nọc rắn…).
Rào cản "tư lợi" ?
Sau hàng loạt vụ sai phạm trong đấu thầu của ngành y tế bị phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự, có hay không việc không còn cơ hội tư lợi và sợ trách nhiệm nên các BV không mặn mà đấu thầu?
Một cán bộ phụ trách dược thuộc Sở Y tế TP.HCM phủ nhận khả năng này, đồng thời khẳng định bác sĩ sống bằng nghề, bằng công việc khác chứ không cần “chấm mút” trong đấu thầu.
Còn lãnh đạo một BV thì cho rằng đấu thầu mua thuốc, vật tư cung ứng cho BN là trách nhiệm của BV. Cũng có một số BV trong thời gian qua đang bị điều tra nên làm công tác đấu thầu chậm. Còn một số BV thiếu thuốc là do vướng công nợ nên công ty dược không cung ứng hàng, phải đi mượn BV bạn và sau đó thương lượng trả tiền cho công ty dược để có thuốc.
Viện tim TP.HCM quá tải, lo hư máy vì nguyên nhân “chưa từng có”
Trong khi các nơi thiếu thuốc, vật tư y tế thì Viện Tim TP.HCM lại quá tải, vì nguyên nhân được xem là “chưa từng có”.
Một lãnh đạo Viện Tim TP.HCM cho biết hiện nay về thuốc, vật tư, trang thiết bị thì Viện không thiếu mà chỉ lo quá tải. Nguyên nhân thời gian qua, một số nơi chỉ cấp cứu mà không mổ tim, hạn chế can thiệp tim nên chuyển hoặc chỉ BN về Viện Tim rất nhiều.
Về mổ tim, Viện Tim đã hoạt động tối đa công suất nhưng hiện danh sách chờ mổ tim lên đến 100 ca (lúc trước chỉ 10 ca) và không thể tăng thêm dù đã tăng từ 3 phòng mổ lên 4 phòng. Bác sĩ phải mổ từ 8 giờ sáng đến tối khuya, thứ bảy cũng phải mổ. Bình thường mổ 1 tuần 33 - 34 ca, hiện nay tăng lên 38 - 40 ca.
Viện Tim đang làm văn bản xin lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho phép với BN có điều kiện thì chuyển sang BV tư nhân để họ mổ, tránh để BN hiểu lầm. Về đặt stent, Viện Tim có 2 máy nhưng mỗi ngày đặt stent trên 20 ca, làm luôn cả thứ bảy và chủ nhật. Nếu tình trạng quá tải này kéo dài nữa thì nguy cơ hư hỏng máy rất cao.