vĐồng tin tức tài chính 365

5 ‘tân binh’ trên thị trường ví điện tử: Anh là ai?

2022-07-05 09:13

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện có 48 tổ chức phi ngân hàng đã được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Trong đó, có 5 cái tên mới hơn cả, mới chỉ được cấp phép từ tháng 6/2021 trở lại đây, gồm: Công ty TNHH Galaxy Pay, CTCP Dịch vụ Công nghệ Cititek, CTCP Thanh toán Trực tuyến Toàn cầu, CTCP Tập đoàn Công nghệ HTP và CTCP Thanh toán NEO.

Công ty TNHH Galaxy Pay

Công ty TNHH Galaxy Pay được thành lập vào tháng 7/2020 với vốn điều lệ 50 tỉ đồng, do CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – Mã CK: VJC) sở hữu 100% vốn. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc là bà Hồ Ngọc Yến Phương – Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính (CFO) Vietjet Air.

Giới thiệu trên trang chủ (galaxypay.vn), Galaxy Pay cho biết mình là công ty thuộc Tập đoàn Sovico, với nhiệm vụ cung cấp các giải pháp tư vấn chiến lược, phát triển các dự án chuyển đổi số các công ty thành viên và vận hành các dự án công nghệ mới.

CTCP Dịch vụ Công nghệ Cititek

CTCP Dịch vụ Công nghệ Cititek (Cititek) được thành lập từ tháng 5/2019, hiện đóng trụ sở chính tại địa chỉ số 17A Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Tp Hà Nội.

Cititek có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Tổng giám đốc – Nguyễn Ngọc Bảo Lâm (góp 20,5 tỉ đồng, sở hữu 41% vốn điều lệ), CTCP Dịch vụ Công nghệ Ecotek (Ecotek – 15%), Lương Tuấn Trung (34%), Bùi Huy Hướng (3,33%), Nguyễn Hồng Trung (3,34%) và Lương Thị Hồng Hạnh (3,33%).

Trong đó, Ecotek là công ty con của Tập đoàn Ecopark – chủ đầu tư dự án khu đô thị cùng tên ở Hưng Yên gắn liền với danh tiếng của vợ chồng ông Lương Xuân Hà – bà Đặng Thị Ngọc Bích.

Ecotek hiện được điều hành bởi người con trai thứ của Chủ tịch Ecopark là ông Lương Tuấn Trung (SN 1993) – cổ đông sáng lập nắm 34% vốn Cititek – với vai trò Chủ tịch HĐQT, trong khi người cộng sự sinh năm 1995 Nguyễn Ngọc Bảo Lâm là Tổng giám đốc.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm còn là một trong những cổ đông sáng lập CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP – tiền thân của CTCP Be Group (đơn vị phát triển ứng dụng gọi xe công nghệ Be).

CTCP Thanh toán Trực tuyến Toàn cầu

Công ty CP Thanh toán Trực tuyến Toàn cầu được thành lập tháng 3/2017.

Doanh nghiệp này hiện được điều hành bởi ông Nguyễn Thanh Dương. Còn người đại diện theo pháp luật của Công ty do phu nhân của ông, là bà Tạ Thiên Thanh, đảm nhiệm.

Ông Nguyễn Thanh Dương từng là Thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Maritime Bank giai đoạn từ tháng 5/2012 – 4/2014; Thành viên HĐQT độc lập Công ty CP Thương mại Dịch vụ TNS HOLDINGS trong khoảng thời gian từ 29/5/2019 – 28/4/2020.

Đáng chú ý, đó đều/từng là những thành viên đã được nhận diện trong hệ sinh thái doanh nghiệp của vợ chồng ông chủ Ngân hàng MSB Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Ngoài, ông Nguyễn Thanh Dương là một nhân vật ít nhiều có tiếng trong giới khai khoáng khi in dấu ở hàng loạt DN như CTCP Khai thác và Chế biến khoáng sản Việt, CTCP Khai khoáng Sahara, CTCP đầu tư, xây dựng và khai thác khoáng sản - điện lực Hà Giang, CTCP Thương mại Khoáng sản Việt, CTCP Nam Thắng,...

Như đã biết, nhà chủ MSB cũng hoạt động rất tích cực trong ngành khai khoáng.

CTCP Tập đoàn Công nghệ HTP

CTCP Tập đoàn Công nghệ HTP (HTP Group) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Ngân Gia Phát, được thành lập vào tháng 1/2019 với vốn điều lệ ban đầu 1 tỉ đồng, thuộc sở hữu của ông Ngô Trọng Tuấn (SN 1973).

Đến tháng 3/2021, công ty này chuyển mô hình hoạt động thành công ty cổ phần, cơ cấu cổ đông lúc này bao gồm 4 thể nhân là các ông bà: Nguyễn Cao Ninh (2%), Ngô Văn Hùng (53%), Nguyễn Thu Trang (20%), Phạm Thị Thùy Dương (25%).

Ít ngày sau, HTP Group tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 50,1 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cũng như người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Văn Hùng (SN 1981).

Ngoài HTP Group, ông Hùng còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, Chủ tịch HĐQT CTCP Cà Phê Ea Pốk (Mã CK: EPC).

CTCP Thanh toán NEO

CTCP Thanh toán NEO (NEO Pay) tiền thân là Công ty TNHH Thủy Nhị Nguyên, được thành lập vào tháng 4/2017 với vốn điều lệ 2 tỉ đồng, thuộc sở hữu của CTCP Hoa Nhị Nguyên.

Tính đến tháng 10/2020, quy mô vốn điều lệ của NEO Pay đạt 2,2 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Hoa Nhị Nguyên (91% VĐL), Nguyễn Thị Huỳnh Linh (4,5% VĐL), Lâm Kính Tuấn (4,5% VĐL).

Tới tháng 3/2021, NEO Pay tăng mạnh vốn điều lệ lên mức 50 tỉ đồng. Một năm sau đó, vốn điều lệ của công ty này tiếp tục được nâng lên mức 55 tỉ đồng. Vị trí giám đốc kiêm người đại diện do bà Nguyễn Thị Huỳnh Linh (SN 1987) - một cựu Phó phòng của Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) - đảm nhiệm.

Ngoài NEO Pay, bà Nguyễn Thị Huỳnh Linh còn đứng tên tại loạt pháp nhân khác, kể tới như: CTCP Hoa Nhị Nguyên, Công ty TNHH Điền Nhị Nguyên, CTCP Symfony Capital, CTCP NEO Send, CTCP NEO Holdings, CTCP NEO One, CTCP NEO X Việt Nam, CTCP NEO Lab.

NEO Pay từng đặt trụ sở tại Tòa nhà VTP Building (số 8, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM) trước khi chuyển về Tòa nhà Pearl Plaza (số 561A Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Thông tin trên website NEO Pay cho biết, ghế lãnh đạo cao nhất của công ty này - Chủ tịch HĐQT - do ông Tony Trương đảm nhiệm.

NEO Pay giới thiệu về Chủ tịch của mình: "Tốt nghiệp Thạc sĩ tại trường Đại học Stanford. Ông từng có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Silicon Valley, AMD's startup Wireless Group. Từ năm 2006 đến 2018, ông công tác tại 1 trong 3 Tập đoàn lớn hàng đầu tại Việt Nam, kinh qua nhiều chức danh quản lý ở nhiều lĩnh vực kinh doanh của Tập đoàn bao gồm bất động sản, công nghệ, v.v."

Theo số liệu của NHNN, tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 - 2021.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh mẽ của giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đến từ thay đổi thói quen của người tiêu dùng khi mà giải pháp thanh toán không tiền mặt được khuyến khích trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, nhằm hạn chế tiếp xúc.

Theo Đồng Tiến

Viettimes

Xem thêm: nhc.12984348050702202-ia-al-hna-ut-neid-iv-gnourt-iht-nert-hnib-nat-5/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“5 ‘tân binh’ trên thị trường ví điện tử: Anh là ai?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools