Xe tăng Đức trong trận đánh Kursk ngày 28-7-1943 - Ảnh: Deutsches Bundesarchiv
Xe tăng gây sóng gió trên nhiều mặt trận, trong đó có trận chiến Kursk năm 1943. Đây là chiến dịch tấn công quy mô lớn cuối cùng của phát xít Đức ở mặt trận phía đông.
Trên chiến trường Kursk, huyền thoại về tính bất khả chiến bại của lực lượng thiết giáp Đức đã chết một lần và mãi mãi.
Nhà sử học JEAN LOPEZ (Pháp)
Chiến dịch mang mật danh Zitadelle
Từ điển bách khoa Britannica (Anh) ghi nhận trận đánh ở Kursk (miền Tây Liên Xô) từ ngày 5-7 đến 13-7-1943 là trận giao chiến xe tăng lớn nhất lịch sử với khoảng 6.000 xe tăng, 2 triệu binh sĩ, 4.000 máy bay của Liên Xô và phát xít Đức tham chiến.
Các sư đoàn xe tăng Đức quốc xã từng đánh đâu thắng đó đã bị tổn thất nặng nề, trong khi Liên Xô đã chứng minh thiết giáp Đức (Panzerwaffe) không phải bất khả chiến bại.
Mùa xuân năm 1943, trước viễn cảnh chiến tranh tiêu hao rất khó chiến thắng, phát xít Đức buộc phải chơi tất tay bằng một kế hoạch tấn công mới. Do 80% nguồn lực của Đức tập trung ở phía đông nên Đức nhắm mũi dùi vào Liên Xô.
Ngoài lý do muốn phục hận sau thất bại trong trận chiến Stalingrad năm 1942-1943, Đức còn muốn trấn an các đồng minh (Ý, Hungary, Romania). Đức tin rằng Liên Xô đã suy yếu sau hai năm chiến tranh nên rất dễ bị hạ gục và rồi sẽ trở thành nguồn dự trữ chiến lược để Đức bảo vệ "pháo đài châu Âu" (Festung Europa).
Đặc biệt, Đức rất lạc quan với nền kinh tế chiến tranh đủ sức tạo điều kiện tăng cường sức mạnh cho các sư đoàn thiết giáp Đức. Với sức ép của tướng tổng thanh tra thiết giáp Heinz Guderian, các sư đoàn thiết giáp Đức đã được tổ chức lại, rút kinh nghiệm từ các trận đụng độ trước đây với xe tăng Liên Xô và kỳ vọng nhiều hơn vào các đời xe tăng mới.
Sau khi quyết định mở mặt trận phía đông vào năm 1943, phát xít Đức đã chọn Kursk làm mục tiêu tấn công. Chiến dịch mang mật danh Zitadelle khởi động. Theo kế hoạch, chiến dịch được tiến hành theo chiến thuật tấn công gọng kìm cổ điển.
Gọng kìm phía nam do thống chế Erich von Manstein phụ trách và gọng kìm phía bắc thuộc quyền của tướng Walter Model. Đối đầu với quân Đức ở hướng bắc là tướng Konstantin Rokossovsky chỉ huy mặt trận trung tâm với tổng cộng 700.000 quân và 1.800 xe tăng. Đối đầu với quân Đức ở hướng nam là vị tướng trẻ Nikolay Vatutin chỉ huy 625.000 quân và 1.700 xe tăng.
Trong tác phẩm Kursk: trận đánh xe tăng lớn nhất lịch sử, TS sử học François de Lannoy (Pháp) nhận định tình báo phát xít Đức đã sai lầm khi đánh giá thấp sức mạnh của Hồng quân. Trong khi đó, Liên Xô đã dự đoán đúng ý đồ tấn công của Đức nên đã bố trí một hệ thống phòng ngự đáng gờm với 80.000 quả mìn, 2.800 khẩu pháo và 537 dàn phóng tên lửa.
Từ tháng 3-1943, tám tuyến phòng thủ có chiều sâu 300km đã được xây dựng ở Kursk. Thông tin về các hệ thống chiến hào, bãi mìn, cứ điểm kiên cố của Liên Xô đều được che giấu theo chiến thuật Maskirovka (tung tin giả đánh lừa), do đó tình báo Đức không biết khả năng phòng thủ của Liên Xô tới đâu.
Theo chuyên gia quân sự Benoît Lemay (Canada) trong tác phẩm Erich Von Manstein: Nhà chiến lược của Hitler, chiến dịch Zitadelle đã nhiều lần bị trì hoãn một phần do trùm phát xít Đức Adolf Hitler muốn trang bị thêm các loại xe tăng mới nhất như Tiger, Panther và Ferdinand cho các sư đoàn thiết giáp Đức.
Hitler tin rằng xe tăng mới chắc chắn sẽ dẫn đến thắng lợi mặc dù số xe tăng này chiếm chưa tới 7% lực lượng thiết giáp Đức.
Cùng lúc đó, thống chế Manstein khăng khăng tin vào tin tình báo quân sự sai lệch của phe ta nên lạc quan đánh giá chắc chắn hệ thống phòng thủ của Liên Xô không thể ngăn chặn được lực lượng xe tăng Đức.
Xe tăng và pháo tự hành Liên Xô tấn công quân Đức ngày 12-7-1943 gần nhà ga Prokhorovka - Ảnh: RIA Novosti
Hai tuần thay đổi cục diện Thế chiến
Sau bốn tháng chuẩn bị, ngày N tiến hành chiến dịch Zitadelle được ấn định vào ngày 4-7-1943. Bốn giờ chiều hôm ấy, các máy bay Stuka của phát xít Đức bắt đầu ném bom. Ở gọng kìm phía nam, tập đoàn quân thiết giáp số 4 của Đức tràn tới.
Tướng Nikolay Vatutin đã sử dụng hệ thống phòng thủ trên không, hỏa lực pháo binh và các bãi mìn chết người để ngăn chặn. Đến tối 6-7, quân Đức chỉ tiến được vài kilômet do không quân Đức hoạt động không hết công suất vì thiếu nhiên liệu trong khi 200 xe tăng Panther mũi nhọn tiến công chết gí vì trục trặc máy móc.
Gọng kìm phía bắc của tướng Model còn thê thảm hơn. Model thận trọng điều động bộ binh đánh trước, sau đó mới triển khai xe tăng.
Tuy nhiên khuya ngày 4-7, đội hình quân Đức bắt đầu rối loạn do Liên Xô đã nắm được tin từ các binh sĩ đào ngũ nên đã cho pháo binh bắn quấy rối. Các bãi mìn cũng làm trì hoãn đáng kể đà tiến quân của Đức.
Trận đấu tăng lớn xảy ra vào ngày 12-7 tại Prokhorovka trên mặt trận dài 8km ở hai bên tuyến đường sắt. 1.200 xe tăng và pháo Liên Xô tấn công quân đoàn II SS-Panzer của Đức. Địa hình rất thuận lợi cho cuộc chiến đấu tăng. Kursk nằm giữa các thung lũng có độ cao thấp và là đồng bằng rộng lớn với nhiều sông ngòi bao quanh.
Các cánh đồng lúa mì chạy dài tít tắp. Hồng quân bị tổn thất nặng nhưng vẫn thắng thế trong khi xe tăng SS bị thiệt hại nặng nề đến mức không còn đủ sức đánh chiếm mục tiêu nút giao thông đường sắt Prokhorovka.
Trước thông tin quân đội đồng minh đã đổ bộ lên đảo Sicily (Ý) đánh chiếm Syracuse, Hitler cần xây dựng lực lượng dự bị bảo vệ sườn phía nam châu Âu. Chiến dịch Zitadelle dừng lại và kết thúc vào ngày 17-7-1943. Hitler đã thua cuộc và mất thế chủ động ở mặt trận phía đông.
Trong tác phẩm Trận chiến Kursk, TS sử học Yves Buffetaut (Pháp) nhận xét trận chiến Kursk đã chứng minh các loại xe tăng mới của phát xít Đức có tỉ lệ tiêu diệt cao và có thể tiêu diệt xe tăng khác từ khoảng cách giao tranh xa.
Lực lượng tấn công của Đức chủ yếu dựa vào xe tăng Panther D (Panzer V). Xe tăng này tốt nhiều mặt nhưng lại có nhiều sai sót kỹ thuật do đưa vào chiến đấu quá vội vàng, nhiều xe chưa hoàn thiện, không ít xe tăng bị hỏng do lỗi cơ khí, số còn lại không đủ mạnh để xuyên thủng hệ thống phòng thủ nhiều lớp của Liên Xô.
Về phía Liên Xô, xe tăng T34 nổi tiếng là một trong các loại xe tăng tốt nhất được sản xuất trong chiến tranh. Xe tăng trang bị pháo 76mm với tầm xa bắn đạt độ tin cậy cao. Liên Xô biết không đủ công nghệ và thời gian chế tạo xe tăng trang bị hỏa lực cao nên tập trung sản xuất số lượng lớn xe tăng.
Guồng máy công nghiệp Liên Xô lớn hơn Đức nên có thể chế tạo nhiều xe tăng hơn. Ngoài ra, xe tăng Liên Xô còn có các ưu điểm nhanh hơn và nhẹ hơn so với xe tăng Đức, do đó cơ động hơn trên chiến trường.
Xe tăng Đức rất mạnh nhưng vẫn chiến bại
Trong trận đánh ở Falaise (Pháp) vào tháng 8-1944, phát xít Đức đã bỏ lại rất nhiều xe tăng. Hơn 71% bị tổ lái phá hủy hoặc bị bỏ lại trong tình trạng vẫn còn tốt. Nguyên nhân có thể do tổ lái quá hoảng sợ trước mưa bom và hỏa lực súng chống tăng của đồng minh.
Nhiều xe tăng bị bỏ lại một phần vì quân đồng minh đã đánh chặn phía trước và phía sau đường rút lui. Hầu hết xe tăng bị bỏ lại do khâu hậu cần yếu kém.
Sau này, phát xít Đức đã kết luận cách tốt nhất để loại xe tăng ra khỏi vòng chiến đấu là cắt đứt nguồn cung cấp nhiên liệu và đạn dược.
Hơn 30 năm về trước, hàng ngàn xe tăng đã đối đầu trên chiến trường sa mạc Iraq. Đến nay trận chiến này vẫn còn ám ảnh nhiều cựu binh chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Kỳ tới: Trận đấu tăng kinh hoàng trên sa mạc
TTO - Sau hơn một thế kỷ, những cỗ tăng cồng kềnh dễ dính đạn sẽ lỗi thời hay không?