AWS và bốn trụ cột làm nên văn hoá khởi nghiệp sáng tạo
"Ngày nào cũng là ngày đầu tiên" trở thành giá trị cốt lõi trong bộ gene của Amazon. Điều đó có nghĩa họ luôn tìm cách để xây dựng, sáng tạo dựa trên xác định nhu cầu và khó khăn của khách hàng.
Bà Priya Lakshmi, Trưởng phòng kinh doanh khởi nghiệp, AWS khu vực ASEAN cho biết : "Trước đây, Amazon cũng là startup. Từ nhu cầu của khách hàng, Amazon xây những sản phẩm phục vụ. Đó gọi là quy trình ngược, nét đặc trưng trong văn hoá sáng tạo của Amazon. Ở Amazon, nỗi ám ảnh về khách hàng (customer posession) luôn thường trực, kích hoạt mọi năng lực sáng tạo. Sự sáng tạo này tập trung mang lại lợi ích cho khách hàng chứ không phải sáng tạo thuần tuý."
Theo bà Priya Lakshmi, có 4 trụ cột chính làm nên tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Đó là văn hoá, tổ chức, kiến trúc và cơ chế:
Văn hoá (Culture): Ngoài nỗi ám ảnh khách hàng, thì Amazon còn chú trọng đến các nguyên tắc lãnh đạo (16 nguyên tắc), với triết lý "tất cả mọi người đều là lãnh đạo trong những nhiệm vụ". Amazon đảm bảo tất cả nhân viên đều có thể hiểu và thực hiện được các nguyên tắc này.
Tổ chức (Organization): Amazon thuê những người biết xây dựng, biết phát triển và để cho họ phát triển. Có một khái niệm là "Two-pizza team" ở Amazon, nghĩa là đội nhóm chỉ đủ lớn để chia hai cái bánh pizza. Tức là 1 đội nhóm ít hơn 10 người nhằm ra quyết định nhanh chóng. Khi nhu cầu các sản phẩm dịch vụ gia tăng thì không cần bổ sung thêm người vào nhóm, thay vào đó sẽ bổ sung thêm các đội nhóm có quy mô tương tự.
Kiến trúc (Architecture): Ở AWS có hơn 200 dịch vụ khác nhau và được kết hợp lại bằng sự kết hợp khác nhau. Theo bà Priya, trước đây, khi có ý tưởng nào đó, chúng ta sẽ cần phải cần phần cứng và phần mềm, nhưng với Cloud thì chỉ mất vài phút. Nhờ Cloud, chúng ta có thể mở rộng quy mô thử nghiệm rất nhanh chóng, giảm chi phí thử/sai.
Cơ chế (Mechanisms): Bất cứ quy trình làm việc ngược nào cũng đều có 5 câu hỏi tập trung vào khách hàng. Ai là khách hàng? Vấn đề của họ hay cơ hội của họ là gì? Các ý tưởng này có quan trọng với lợi ích của khách hàng hay không? Họ có muốn làm các dịch vụ này hay không? Trải nghiệm của khách hàng sẽ như thế nào?
Ở AWS, 90% dịch vụ được thiết kế dựa trên những phản hồi của khách hàng, 10% còn lại là phân tích nhu cầu tương lai của khách hàng. Một ví dụ nhỏ, Amazon Go ra đời giải quyết vấn đề chờ đợi quá lâu ở các cửa hàng bán lẻ. Nhờ thuật toán, mọi người tuỳ chọn hàng hoá mà không phải xếp hàng đi qua cửa tính tiền. Việc tính tiền đã thực hiện trên điện thoại. Kể cả khi không muốn mua món đồ mình cầm tay, hệ thống vẫn loại trừ chính xác bằng thị giác máy tính. Amazon áp dụng các trí tuệ nhân tạo hỗ trợ cho khách hàng trên tất cả các quy mô khác nhau ở tất cả các ngành khác nhau.
"Mỗi một đầu tư của chúng tôi đều được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng, không chỉ ở hiện tại mà còn trong tương lai", bà Priya chia sẻ.
Để lan toả văn hoá khởi nghiệp sáng tạo, AWS triển khai chương trình AWS Activate, cung cấp cho những startup đạt tiêu chuẩn một loạt những lợi ích bao gồm AWS credits, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo. Trong suốt hai năm qua, riêng Activate credits đã vượt 2 tỷ USD.
AWS cũng cung cấp bảng điều khiển Activate Console để hỗ trợ cho người sáng lập các đề xuất được cá nhân hóa về nhiều chủ đề đào tạo đáng lưu ý, đồng thời theo dõi và giám sát các khoản chi phí AWS của người dùng.
Gần đây nhất là bộ "Build On AWS", một bộ sưu tập các mẫu cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho triển khai cùng nhiều kiến trúc tham chiếu bao gồm nhiều giải pháp được phát triển đặc biệt giúp các startup xây dựng trong vài phút.
Truyền cảm hứng cho startup Việt Nam
Được truyền cảm hứng từ AWS, Bizzi là một startup Việt Nam thuộc mảng FinTech B2B, đã ứng dụng văn hóa sáng tạo của Amazon và phát triển nhanh chóng.
Anh Nguyễn Bảo Nguyên, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ, Bizzi chia sẻ: "Amazon là điển hình để các startup học hỏi. Điểm tương đồng rất rõ rệt giữa Amazon và Bizzi là luôn luôn đặt khách hàng làm trọng tâm. Tất cả những kế hoạch, sản phẩm, quyết định đều xoay quanh lợi ích của khách hàng."
Anh Nguyễn Bảo Nguyên (trái), Đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ, công ty Bizzi.
Bizzi là một sản phẩm hỗ trợ tự động hóa cho bộ phận tài chính – kế toán của doanh nghiệp. Ở Việt Nam, đến tháng 7 năm nay, toàn bộ doanh nghiệp sẽ phải chuyển sang hóa đơn điện tử và Bizzi đã tiếp cận vấn đề này từ sớm. Đây là một ví dụ về "quy trình ngược".
"Bizzi gặp các doanh nghiệp đang phát triển phòng kế toán để tìm hiểu vấn đề của họ trong việc chuyển đổi số. Kế toán là một trong những bộ phận ít có đột phá. Các phòng ban khác có thể làm việc tại nhà nhưng kế toán phải làm ở văn phòng bởi các hóa đơn, chứng từ vẫn phải được gửi tới các doanh nghiệp. Vì vậy, Bizzi đã tìm giải pháp giải quyết vấn đề của họ. Họ thậm chí còn chưa hiểu rõ những khó khăn của mình bởi quá trình chuyển đổi số sẽ thay đổi hoàn toàn cách làm việc từ giấy sang điện tử", anh Nguyễn Bảo Nguyên nói.
Theo anh Nguyên, nguyên tắc "Two-pizza team" rất phù hợp không chỉ với team nhỏ mà cả nhưng team lớn. Bizzi có một mô hình tương tự, gọi là "Squad". Trong 1 Squad có tối đa 8 người làm chung một dự án, mỗi người sẽ thuộc các phòng ban khác nhau. Ví dụ, 1 Squad có 3 kỹ thuật, 1 marketing, 1 thiết kế/sales... cùng chia sẻ mục tiêu dự án.
"Ownership" (sở hữu) cũng là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng. Tất cả "Bizzie" phải có yếu tố lãnh đạo, thậm chí là sáng lập (founder). Đây là một cách để Bizzi đào tạo được những lãnh đạo tương lai xây dựng những sản phẩm tốt cho khách hàng.
"Khi chúng ta bắt đầu, dường như mọi thứ đều có thách thức. Nhà sáng lập có trách nhiệm xây dựng một văn hóa doanh nghiệp vững chắc để khi nhân sự công ty gia tăng thì chúng ta vẫn có thể giữ vững giá trị cốt lõi của công ty, làm nền tảng phát triển xa hơn nữa", anh Nguyên khẳng định.
http://tintuc.vdong.vn/07/1413598.htmÁnh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế