Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc cho rằng do áp lực công việc, thu nhập giảm và nợ tiền chế độ ưu đãi ngành y tế nên nhiều nhân viên đã nghỉ việc - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 5-7, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc Răng - phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang tại TP Châu Đốc - cho Tuổi Trẻ Online biết thông tin trên khi nói về tình trạng nhiều nhân viên y tế của bệnh viện này bỏ việc.
Theo ông Răng, dù đơn vị đã vận động nhưng các anh em nghỉ việc đều nói do công việc áp lực nhiều và tiền chế độ ngành còn chậm nên chán nản. Đơn vị đang cố gắng gồng gánh để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lực lượng bác sĩ thì cơ bản đủ, chỉ có thiếu nhân viên điều dưỡng.
Hiện tại, tiền trực, tiền ưu đãi ngành, tiền phẫu thuật của nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc bị thiếu nhiều tháng qua chưa trả cho anh em, tổng số tiền gần 6 tỉ đồng. Vì vậy, nhiều anh em thấy khó khăn đã xin nghỉ việc.
"Chúng tôi có văn bản gửi Sở Y tế về vụ việc này để nhờ sở hỗ trợ kinh phí chi trả cho anh em. Từ khi dịch COVID-19 đến nay, đơn vị không khám bệnh được gì nên không đủ kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm cho các anh em. Do thu nhập giảm nên nhiều nhân viên điều dưỡng nghỉ. Đơn vị đang đề xuất tuyển dụng nhân viên điều dưỡng để phục vụ khám chữa bệnh", ông Răng nói.
Ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết An Giang có 145 nhân viên y tế xin nghỉ việc nhưng không phải nghỉ việc trong lúc dịch bệnh, mà vài tháng gần đây. Nguyên nhân chính là do chế độ chính sách thấp; áp lực công việc lớn; công tác phòng chống dịch phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế sau đợt dịch vừa qua.
Nghỉ nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc có 35 người nghỉ. Sắp tới, ngành y tế tỉnh sẽ nâng cao chế độ chính sách cho nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở; có chính sách thu hút các y bác sĩ; tăng cường đào tạo theo địa chỉ…
Đến nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc đã có 35 nhân viên y tế nghỉ việc, chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Sở dĩ xảy ra chuyện thiếu nợ tiền nhân viên y tế là do từ lúc dịch bệnh đến giờ các bệnh viện không khám chữa bệnh gì nhiều nên không có đủ kinh phí chi trả. Chúng tôi đang chỉ đạo các bệnh viện thống kê số tiền nợ bao nhiêu để đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ. Sẽ tổ chức tuyển dụng thêm nhân sự để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho các bệnh viện", ông Hiền nói.
Trước đó, Bộ Y tế công bố giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
TTO - Trong cuộc họp báo ngày 29-11, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cung cấp thông tin gây chú ý: năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp.