Chị An, 40 tuổi, kinh doanh tự do đến một ngân hàng thương mại cổ phần đặt vấn đề vay vốn. Câu hỏi đầu tiên mà nhân viên tín dụng đưa ra với chị An là " Chị vay vốn để làm gì?"
Sau khi nghe chị trình bày về kế hoạch sử dụng vốn, nhân viên này tiếp tục yêu cầu chị cung cấp một số chứng từ có thể chứng minh mục đích sử dụng vốn vay.
Chị An, như những người ít va chạm khác, lần đầu tiên vay vốn ngân hàng sẽ cảm thấy có chút "kỳ lạ", chị nói " Tôi có sổ đỏ thế chấp, tại sao lại phải quan tâm quá nhiều đến việc tôi dùng tiền làm gì? Miễn sao trả nợ được cho các anh?"
Trên thực tế, hoạt động cho vay của Ngân hàng thương mại là kênh trực tiếp "bơm vốn" ra nền kinh tế, và phải chịu sự điều hành, quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đang được quy định trong Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39).
Chị An hoặc nhiều người có thể không biết rằng, theo tinh thần của Thông tư 39, việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận.
Nghĩa là việc có hay không biện pháp bảo đảm tiền vay (tài sản bảo đảm) không phải là quy định bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước mà tùy theo chính sách và khẩu vị rủi ro của từng Ngân hàng Thương mại.
Ngược lại, mục đích vay lại được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ.
Có những nhu cầu vốn không được cho vay, được quy định trong điều 8 của Thông tư 39, chẳng hạn như cho vay mua vàng miếng,...
Hình ảnh minh họa
Bên cạnh đó, khoản 2 điều 22 yêu cầu quy định nội bộ về cho vay của TCTD được thực hiện trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau:
a) Điều kiện cho vay; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; hồ sơ cho vay và các tài liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn;
Trong dự thảo sửa đổi thông tư 39 Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian gần đây, a) được thay đổi bằng
" Điều kiện cho vay, trong đó quy định cụ thể các tiêu chí đánh giá về nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; tiêu chí xác định khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh được vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2, điều 13 Thông tư này; hồ sơ cho vay và các tài liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện; quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn."
Như vậy, có thể thấy Thông tư 39 sửa đổi nhấn thêm vào việc kiểm soát nhu cầu vay vốn của khách hàng cùng với việc mở rộng thêm những mục đích không được vay vốn. Chị An sẽ không thể được Ngân hàng chấp nhận cấp tín dụng nếu chị không trả lời được câu hỏi, sẽ sử dụng tiền vay làm gì.
Chẳng hạn, nếu phương án của chị An là mua nhà thì cần rất cụ thể và chính xác. Nhà định mua ở đâu? Giá bao nhiêu? Hợp lý, hợp pháp không? Giải ngân cho ai, bằng cách nào? Chứng từ mua bán, chuyển quyền sở hữu là gì? Thực tế, hiện trạng sau khi giải ngân?
Điều 24, Thông tư 39 quy định "Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo nội dung thỏa thuận; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng"
http://tintuc.vdong.vn/07/1413833.htmAn Vũ
Theo Nhịp Sống Kinh Tế