Mới đây, Người Đưa Tin thông tin, Công an quận Cẩm Lệ, Tp.Đà Nẵng, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT còn bắt tạm giam 2 tháng đối với ông Nguyễn Bá Tín, 49 tuổi, tạm trú quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng. Đồng thời, cấm rời khỏi nơi cư trú đối với ông Châu Ngọc Tấn, 57 tuổi, khối phố Mỹ Bắc, phường An Mỹ, Tp.Tam Kỳ, Quảng Nam.
Được biết, ông Tín là Giám đốc một công ty phân phối dược phẩm tại TP.Đà Nẵng.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư Tp.Đà Nẵng cho biết, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA thì cảnh sát giao thông khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được quyền dừng các phương tiện giao thông đường bộ, kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, khi tham gia giao thông, người tham gia giao thông cần phối hợp và chấp hành hiệu lệnh của cán bộ thực hiện nhiệm vụ, hợp tác làm việc theo quy định pháp luật.
Các hành vi mang tính chất cản trở Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ có thể bị xem xét xử phạt hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Khi có vi phạm về pháp luật giao thông đường bộ, đáng lẽ ra, các đối tượng phải tuân thủ hiệu lệnh và hợp tác làm việc với các chiến sĩ công an đang thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, các đối tượng lại chọn thực hiện đưa tiền để được bỏ qua hành vi vi phạm của mình, đây là hành vi không phù hợp với quy định pháp luật.
Việc hối lộ người thi hành công vụ có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Sau khi việc đưa tiền bị từ chối, các đối tượng lại tiếp tục có những lời lẽ thô tục, xúc phạm người thi hành công vụ. Những lời lẽ này có nhiều nội dung mang tính chất vu khống, không có căn cứ xác thực, bôi nhọ danh dự của lực lượng chức năng.
Điều này hoàn toàn không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với quy định pháp luật. Nếu xem xét riêng với các phát ngôn, lời lẽ không đúng mực này thì các đối tượng có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng liên quan đến hành vi có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn có những hành vi cản trở, chống đối việc thực hiện công vụ như giật điện thoại, kéo cổ áo, tát, giật nút áo của người thi hành công vụ.
Những hành vi nêu trên có thể được coi là hành vi dùng thủ đoạn khác chống đối, cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ. Hành vi của các đối tượng đã xâm phạm đến khách thể được pháp luật bảo vệ đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người khác và trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Hành vi của các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.
“Vụ việc nêu trên cũng là trường hợp điển hình để làm gương, điều chỉnh hành vi của những người tham gia giao thông. Cụ thể, khi nhận được hiệu lệnh dừng xe thì người tham gia giao thông cần cần nghiêm chỉnh chấp hành, phối hợp, hợp tác với lực lượng chức năng để xử lý vi phạm.
Nếu có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông thì cần nghiêm chỉnh chấp hành việc bị xử phạt vì cần hiểu rằng việc vi phạm này nếu không bị phát hiện và ngăn chặn thì có thể gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Việc tuân thủ này thể hiện sự thượng tôn pháp luật, góp phần đảm bảo trật tư an toàn giao thông ở địa phương.
Mọi hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ trái quy định pháp luật đều có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định”, luật sư Hải phân tích.
Theo điều tra ban đầu, chiều 25/6, Công an quận Cẩm Lệ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến đường Thăng Long, phát hiện ôtô 43A - 161.87 vi phạm lỗi đậu đỗ xe ở nơi có biển cấm đậu đỗ.
Lúc này, ông Tín và Tấn đang ngồi nhậu gần đó, thấy lực lượng cảnh sát đến gần ôtô, ông Tín chạy ra và lấy tờ tiền 500.000 đồng đưa cho một cán bộ cảnh sát với mục đích hối lộ tổ công tác để bỏ qua lỗi của mình.
Ngay sau đó, cảnh sát yêu cầu ông Tín cất tiền và nghiêm túc làm việc với tổ công tác.
Khi tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ông Tín không những không chấp hành mà còn dùng những lời lẽ thô tục chửi bới lực lượng và thách thức các thành viên tổ công tác.
Thấy vậy, ông Tấn, bạn cùng ngồi nhậu với ông Tín, cũng xông vào và có hành vi gây cản trở lực lượng làm nhiệm vụ, nắm cổ áo một chiến sĩ và xúc phạm lực lượng chức năng.