Xe tăng M1A1 Abrams khai hỏa trong chiến dịch Thanh gươm sa mạc - Ảnh: Magnum
Ông kể trên tạp chí National Geographic: "Trong chiến dịch Bão sa mạc, tôi là một trong những người sống với xe tăng suốt 100 giờ. Tôi chỉ ra ngoài để vệ sinh, giúp tiếp nhiên liệu hay giữ súng máy trong khi các đồng đội tiếp nhiên liệu".
Ở khoảng cách 5km, lính Mỹ nhìn thấy binh lính Iraq đi tiểu trong bụi cây, trong khi lính Iraq không hề biết lính Mỹ đang ở đó cho đến khi xe tăng Iraq trúng đạn.
Cựu binh sĩ xe tăng TOM CARHART (Mỹ) giải thích
Chiến dịch Thanh gươm sa mạc
Ngày 1-8-1990, Iraq đưa quân xâm chiếm nước láng giềng nhỏ bé Kuwait. Vài tháng sau, lực lượng liên quân 40 nước do Mỹ đứng đầu tập trung tại Saudi Arabia giáp biên giới Iraq và Kuwait chuẩn bị tiến hành chiến dịch Bão sa mạc tấn công Iraq.
Giai đoạn đầu chiến dịch mở màn ngày 17-1-1991 với các phi vụ không kích vào các căn cứ tên lửa và cơ sở quân sự của Iraq. Bất chấp tổn thất, quân đội Iraq không rút khỏi Kuwait.
Sau sáu tuần không kích, liên quân chuyển sang giai đoạn hai: mở chiến dịch Thanh gươm sa mạc tấn công trên bộ. Giữa tháng 2-1991, các tàu chiến liên quân tập trung ngoài khơi thủ đô Kuwait City. Trong lúc Iraq tin rằng liên quân tấn công từ biển, liên quân bất ngờ tấn công trên sa mạc.
Sáng sớm 24-2-1991, liên quân bí mật triển khai lực lượng khoảng 50km dọc biên giới Saudi Arabia. Phía Iraq tỏ vẻ nghi ngờ nhưng không phản ứng nào đáng kể. Sau đó, hơn 3.000 xe tăng và hàng ngàn xe bọc thép cùng bộ binh ầm ầm vượt biên giới Saudi Arabia tiến vào Iraq, trong đó khoảng 1.900 xe tăng M1A1 Abrams.
Tướng Mỹ Norman Schwarzkopf chỉ huy lực lượng liên quân đã vạch kế hoạch lớn được gọi "đòn móc trái", xe tăng liên quân tiến về miền bắc Iraq đến một khoảng cách nhất định thì đột ngột ngoặt sang hướng đông tiến về Kuwait City, tấn công bên sườn quân Iraq đồn trú gần biên giới Kuwait.
Binh lính Iraq đốt các giếng dầu ở Kuwait trên đường rút quân - Ảnh: Magnum
Liên quân chia làm hai cánh. Cánh phía đông phụ trách từ biên giới phía tây Kuwait đến thủ đô Kuwait City do tướng Khalid bin-Sultan (hoàng tử Saudi Arabia) chỉ huy.
Cánh này gồm ba quân đoàn, trong đó có một quân đoàn chủ lực là thủy quân lục chiến Mỹ và hai quân đoàn Ả Rập hỗn hợp gồm các binh sĩ của Ai Cập, Syria, Saudi Arabia và nhiều quốc gia Hồi giáo khác. Cánh phía tây do tướng Mỹ John J. Yeosock chỉ huy.
Ngay buổi sáng tấn công đầu tiên, liên quân đã xuyên thủng hàng phòng ngự Iraq vốn gần như bị phá hủy sau giai đoạn không kích trước đó. Hàng chục ngàn binh sĩ Iraq bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, đây chỉ là vành đai bảo vệ lực lượng vệ binh Cộng hòa vốn là lực lượng thiện chiến nhất Iraq.
Sau vài trận đụng độ xe tăng, trận đấu tăng thực sự bắt đầu vào ngày 26-2-1991 khi trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 2 của Mỹ cùng các đơn vị khác chạm trán xe tăng vệ binh Cộng hòa trên đường ngoặt sang phía đông tiến về Kuwait City.
Vệ binh Cộng hòa được trang bị xe tăng T-72 của Liên Xô và xe tăng type 69 cũ của Trung Quốc. Lực lượng này đã có kinh nghiệm trong các trận đánh xe tăng trên sa mạc trong chiến tranh Iran - Iraq kéo dài tám năm (1980-1988), tuy nhiên vẫn bị sốc trước sức mạnh tấn công của xe tăng Mỹ.
Các binh sĩ Iraq cố chiếm xe tăng liên quân và tìm lỗ thông hơi để bắn vào. Lính tăng Mỹ đáp trả bằng cách bịt kín cửa sập trong khi đồng đội trong xe tăng gần đó nã súng máy giết các binh sĩ Iraq đeo bám. Bầu trời được chiếu sáng bằng đạn lửa.
Khi xe tăng vượt qua các ngọn đồi thấp hoặc vùng trũng, các binh sĩ Iraq nhảy ra từ chỗ ẩn nấp, giương súng phóng lựu cố hạ gục xe tăng từ phía sau. Chỉ có hành động cực nhanh của các xạ thủ xe tăng Mỹ mới ngăn chặn được thảm họa xảy ra.
Đội tuần tra Mỹ quan sát xe tăng Iraq bị phá hủy - Ảnh: Magnum
40 phút đấu tăng kinh hoàng
Thời tiết bấy giờ thật tồi tệ. Mưa giội xuống sa mạc suốt phần lớn thời gian tấn công. Nước mưa nhơn nhớt do muội khói bốc lên cuồn cuộn từ các mỏ dầu Kuwait bị Iraq phóng hỏa. Thách thức lớn nhất trong giao tranh là phân biệt quân bạn và quân Iraq. Trong đêm tối, dưới trời mưa và giữa làn khói mù mịt, thậm chí các xe tăng Mỹ đã bắn nhầm vào nhau.
Trong tác phẩm Sư đoàn kỵ binh số 1 và quân đội Mỹ đã thay đổi: Con đường dẫn đến chiến thắng trong chiến dịch Bão sa mạc, 1970-1991, nhà sử học Mỹ - đại tá về hưu Gregory Fontenot vẫn còn bị ám ảnh bởi đêm hỗn loạn đó.
Ông nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi một xe tăng Mỹ M1A1 Abrams bắn nhầm xe chiến đấu Bradley của đồng đội. Với tư cách tiểu đoàn trưởng xe tăng, ông đã ra lệnh cho các binh sĩ chỉ được nổ súng khi biết chắc đó là kẻ thù.
Tổng cộng có ba trận đấu tăng lớn mang tên 73 Easting (ngày 26 và 27-2-1991), Medina Ridge (27-2-1991) và Norfolk (ngày 27-2-1991) trong chiến dịch Thanh gươm sa mạc. Theo tạp chí Stars and Stripes (Mỹ), trận đấu tăng Medina Ridge được xem là trận giao chiến lớn nhất trong chiến dịch, kéo dài chỉ 40 phút với khoảng 3.000 xe chiến đấu tham gia, trong đó có 348 xe tăng M1A1 Abrams.
Để ngăn chặn đà tiến công của liên quân và mở đường cho quân Iraq rút khỏi Kuwait, lữ đoàn 2 thuộc sư đoàn Medina vệ binh Cộng hòa Iraq ẩn nấp sau một mỏm cao chờ đối phương xuất hiện để đột ngột khai hỏa. Mưu kế chiến thuật rất tốt nhưng không thành công.
Trong chiến tranh vùng vịnh, không quân Mỹ yểm trợ xe tăng mặt đất rất hiệu quả - Ảnh: AP
Cựu trung sĩ Larry Porter nhớ lại xe tăng Mỹ vừa leo lên mỏm cao đã nhìn thấy hơn chục chiếc xe tăng Iraq dàn hàng ngang nhưng lại hướng mũi về hướng khác. Xe tăng Mỹ đồng loạt nổ súng.
Xe tăng Mỹ còn sử dụng nhiều lợi thế khác như sử dụng ảnh hồng ngoại để xác định mục tiêu trong ngày mưa mù mịt. Hầu hết xe tăng Mỹ khai hỏa ở khoảng cách gần 2.500m, tức nằm ngoài tầm bắn của xe tăng T-72 của Iraq.
Lữ đoàn 2 vệ binh Cộng hòa Iraq đã bị nghiền nát ở ngoại ô Basra (đông nam Iraq). Trận đánh nhanh chóng trở thành bãi tập bắn. Các tháp pháo xe tăng Iraq nổ tung vì đạn xuyên giáp của xe tăng M1A1 Abrams, bay lên không trung và cắm xuống đất như cây kẹo mút.
Song song đó, máy bay trực thăng AH-64 Apache và máy bay chiến đấu A-10 Warthogs đã nhanh chóng tham chiến yểm trợ cho xe tăng.
Đây là trận kháng cự cuối cùng của vệ binh Cộng hòa Iraq. Quân Iraq thiệt hại rất nặng nề. Chỉ số ít binh sĩ bỏ chạy hoặc đầu hàng. Hầu hết đều chết trong xe tăng.
Binh lính Iraq bị bắt làm tù binh ngày 25-2-1991 - Ảnh: AFP
Trận chiến đẫm máu
Nhà sử học Gregory Fontenot đánh giá các trận đấu tăng trong chiến dịch Thanh gươm sa mạc mang tính chất đẫm máu vượt xa trận chiến Kursk trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông giải thích: "Nếu chúng ta xem xét toàn cục chiến dịch thì trận chiến Kursk có quy mô lớn hơn. Song trước hoặc sau chiến dịch Bão sa mạc chưa có trận đấu tăng nào xảy ra với hơn 3.000 xe tăng cùng hàng ngàn xe bọc thép quần thảo chỉ trong 36 tiếng".
Trong chiến dịch Thanh gươm sa mạc kéo dài 100 giờ từ ngày 24-2 đến 28-2-1991, đã có khoảng 25.000 - 50.000 binh sĩ Iraq thiệt mạng và 80.000 binh sĩ Iraq bị bắt. Trong 345 binh sĩ liên quân thiệt mạng, phân nửa tử trận, số còn lại chết do tai nạn và trúng đạn phe mình.
Khoảng 3.300 xe tăng Iraq bị phá hủy trong khi liên quân chỉ mất 31 xe tăng.
Độ dày giáp xe tăng thêm lên thì đạn chống tăng cũng tăng sức công phá. Ba nhóm giải pháp cơ bản để diệt xe tăng.
Kỳ tới: Bí mật của đạn chống tăng xuyên giáp
TTO - Thời của xe tăng cuối cùng đã tới trong Chiến tranh thế giới thứ hai (năm 1939-1945). Xe tăng gây sóng gió trên nhiều mặt trận, trong đó có trận chiến Kursk năm 1943.