Việc hợp pháp hóa Bitcoin từng được kỳ vọng sẽ cải tổ kinh tế El Salvador, biến quốc gia nghèo tại Trung Mỹ thành nước tiên phong trong cách mạng tài chính. Tuy nhiên, gần một năm sau khi Tổng thống El Salvador Nayib Bukele gây sốc cho ngành tài chính toàn cầu khi công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp, ván cược của ông có vẻ đang phản tác dụng.
Số Bitcoin nước này nắm giữ đã mất giá 60% trong đợt sụt giảm gần đây. Việc sử dụng Bitcoin tại El Salvador cũng giảm mạnh. Quốc gia này còn đang thiếu tiền mặt khi Tổng thống Bukele không thể huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư tiền số.
Tuy nhiên, những bước lùi về tài chính này chưa ảnh hưởng đến uy tín của Bukele. Các cuộc khảo sát cho thấy 8 trên 10 người El Salvador vẫn tiếp tục ủng hộ Tổng thống, một phần nhờ chính sách trừng phạt các băng nhóm tội phạm và trợ cấp nhiên liệu của ông.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng việc thất bại trong các mục tiêu về Bitcoin – hút đầu tư về nước và phổ cập dịch vụ tài chính cho người nghèo – đã cho thấy thiếu sót trong phong cách quản trị nghiêng về xây dựng hình ảnh của Bukele. Nó cũng đặt ra câu hỏi về độ bền vững tài chính của kế hoạch đầy tham vọng của Bukele về hiện đại hóa El Salvador.
Năm ngoái, chính phủ của ông dành số tiền tương đương 15% ngân sách đầu tư thường niên để phổ cập Bitcoin tại nước này. Họ tặng số Bitcoin tương đương 30 USD - khoảng 1% thu nhập hàng năm của người El Salvador - cho mỗi người tải ứng dụng thanh toán Chivo Wallet bằng tiền số do chính phủ hỗ trợ.
Bukele khẳng định gần 3 triệu người El Salvador – tương đương 60% người trưởng thành đã nghe theo lời kêu gọi của ông. Tuy nhiên, sau sự hào hứng ban đầu, việc sử dụng tiền số đang lao dốc. Khi tiêu hết 30 USD được tặng, chỉ khoảng 10% người dùng Chivo tiếp tục thanh toán bằng Bitcoin trên app này, theo nghiên cứu của các nhà kinh tế học hồi tháng 2. Ứng dụng gần như không có thêm người dùng mới năm nay.
"Chính phủ đã rất kỳ vọng vào dự án này, nhưng nó vẫn thất bại", Fernando Alvarez – Giáo sư kinh tế tại Đại học Chicago – một trong các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Một nghiên cứu khác hồi tháng 3 của Phòng thương mại El Salvador cho biết chỉ 14% doanh nghiệp nước này giao dịch bằng Bitcoin kể từ khi tiền số này được công nhận vào tháng 9 năm ngoái. Chỉ khoảng 3% nhận thấy Bitcoin có giá trị kinh doanh.
Nhiều người dân nước này ở Mỹ cũng bỏ qua lời kêu gọi của Bukele về việc dùng Bitcoin để gửi tiền về nước. Các ứng dụng thanh toán bằng tiền số, như Chivo, đóng góp chưa đầy 2% kiều hối trong 5 tháng đầu năm nay, theo Ngân hàng Trung ương El Salvador.
Nỗ lực phổ cập Bitcoin của ông Bukele càng bị kéo lùi bởi đợt bán tháo tiền số toàn cầu, khiến các tài sản số bốc hơi hàng trăm tỷ USD kể từ tháng 3. "Mọi người sợ mất tiền", Edgardo Villalobos – người quản lý các gian hàng tại một khu chợ ở thủ đô San Salvador cho biết. Sau đợt mất giá gần đây, ông cho biết khoản thưởng 30 USD khi tải ứng dụng Chivo của ông chỉ còn giá 10 USD.
Những người ủng hộ Bitcoin thì cho rằng việc quảng bá Bitcoin đã thay đổi hình ảnh của El Salvador, biến nước này thành cái tên tiên phong về công nghệ, tạo ra nhiều cơ hội tài chính cho những người dân không tham gia hệ thống ngân hàng truyền thống.
"Với mục tiêu theo đuổi tự do về tài chính, chúng tôi vẫn đang đi đúng hướng", Eric Gravengaard – CEO Athena Bitcoin cho biết. Công ty này điều hành mạng lưới ATM tiền số tại El Salvador và xử lý các giao dịch Bitcoin tại các chuỗi bán lẻ lớn nhất nước này.
Những người chỉ trích khẳng định Bitcoin không tạo ra làn sóng khởi nghiệp tiền số tại nước này như Bukele cam kết. Chỉ 48 công ty thành lập mới tại El Salvador là tập trung vào Bitcoin kể từ khi tiền số được công nhận ở đây, theo Ngân hàng Trung ương El Salvador. Con số này chỉ bằng 2% doanh nghiệp thành lập mới năm 2019. Gần như toàn bộ start-up tuyển rất ít người địa phương và đầu tư cũng không đáng kể, Leonor Selva – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tư nhân El Salvador cho biết.
"Nếu xét đến hoạt động thường ngày, tác động là không có", bà cho biết. Thay vì thu hút nhà đầu tư mới, Bitcoin lại khiến các lãnh đạo công ty tài chính truyền thống lo sợ tiền số gây bất ổn kinh tế.
Gravengaard thì phản đối bằng cách chỉ ra 28 trong 30 nhân viên của công ty ông ở El Salvador là người địa phương. Bên cạnh đó, ngành công nghệ trong nước phát triển cũng giúp người trẻ có cơ hội tạo dựng sự nghiệp, thay vì di cư đến các nước như Mỹ.
"Đây đơn giản là một giấc mơ", Gerson Martínez – một doanh nhân khởi nghiệp Bitcoin cho biết, "Là con của người El Salvador di cư, điều này đem lại nhiều hy vọng cho tôi".
Giá giảm cũng không khiến sự đam mê của Bukele với Bitcoin giảm sút. Trong loạt bài viết trên Twitter suốt một năm qua, Bukele cho biết ông đã mua tổng cộng gần 2.400 đồng kể từ tháng 9, tổng trị giá khoảng 100 triệu USD.
"Bitcoin là tương lai", ông cho biết trong bài đăng trên Twitter hôm 30/6 sau khi thông báo đợt mua mới nhất giữa lúc thị trường bán tháo, "Cảm ơn vì đã bán rẻ".
Đến nay, các giao dịch của Bukele đã khiến El Salvador thiệt hại khoảng 63 triệu USD, theo ước tính của tạp chí Disruptive nước này. Số lỗ trên càng khiến chính phủ thêm chật vật trong bối cảnh phải trợ giá lương thực, nhiên liệu và trả nợ.
Năm ngoái, Bukele đã giảm phân bổ ngân sách cho các chính quyền địa phương, buộc nhiều thị trưởng phải giảm dịch vụ công, như học bổng hay hệ thống nước. "Vấn đề với Bitcoin là chẳng ai lãi được gì cả", Carlos Acevedo – một nhà kinh tế học El Salvador nhận định, "Nó là khoản đầu tư không mang lại lợi ích xã hội".
Việc giá Bitcoin lao dốc cũng khiến kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đầu tiên bảo đảm bằng Bitcoin của Bukele đổ bể. Sau khi thông báo sẽ bán 1 tỷ USD trái phiếu loại này, chính phủ El Salvador hồi tháng 3 lại hoãn vào phút chót, với lý do xung đột tại Ukraine khiến tài chính toàn cầu xuống cấp.
Các nhà kinh tế học cho biết việc này sẽ khiến El Salvador có ít phương án hơn trong việc thanh toán 800 triệu USD nợ đáo hạn tháng 1/2023, cũng như các khoản nợ khác sau này.
Bukele vì thế sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn, như giảm chi tiêu công và khiến người dân nổi giận, hoặc đẩy quốc gia này vào cảnh vỡ nợ. Việc vỡ nợ có thể gây gián đoạn nhập khẩu hàng thiết yếu, giảm tăng trưởng, thậm chí khiến người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng.
"Bukele có vẻ quan tâm đến xây dựng hình ảnh hơn là quản lý kinh tế", Frank Muci – chuyên gia chính sách công tại Trường Kinh tế London nhận xét, "El Salvador sẽ phải trả cái giá rất đắt cho việc này".
Hà Thu (theo New York Times)