Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết - Ảnh: Q.H
Sáng 6-7, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.
Cụ thể: xăng (trừ ethanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ đây là mức giảm “kịch khung” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất nhanh nhất đến ngày 22-7-2022 để kịp ban hành nghị định hướng dẫn và triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11-7--2022 để kịp cho kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo (vào ngày 15-7-2022).
Trước đó, thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tờ trình của Chính phủ có đề cập nguyên nhân về xu thế tăng giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới. Với đỉnh điểm giá dầu thô thế giới vào tháng 3-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 18 để điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, với hiệu lực áp dụng từ 1-4-2022.
Vì vậy, Chính phủ cần chủ động hơn trong các biện pháp điều hành giá xăng dầu trong nước theo thẩm quyền, trong đó đặc biệt là các biện pháp điều chỉnh về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mà cho đến nay vẫn chưa được Chính phủ thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách nêu rõ một số ý kiến cho rằng, với tỉ trọng thuế trong giá xăng dầu thấp hơn nhiều so với mức bình quân chung của nhiều quốc gia trên thế giới thì việc đề xuất giảm thuế là không thực sự thuyết phục.
Bởi nếu thuế chỉ chiếm tỉ trọng thấp trong giá bán thì việc giảm thuế có thể không thực sự tác động lớn đến việc giảm giá bán xăng dầu, không đạt được mục tiêu đặt ra trong điều chỉnh chính sách thuế, song lại ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ hơn về nội dung này.
Bên cạnh đó, ông Cường cho biết hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về dự thảo nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), trong đó dự kiến giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng từ mức 20% xuống 12%.
Việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN này sẽ là một hỗ trợ tích cực, góp phần làm giảm giá xăng trên thị trường trong nước bên cạnh các biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định để ban hành và kịp thời đưa vào áp dụng trước khi tiếp tục trình Quốc hội các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng như dự kiến.
TTO - Ngày mai (6-7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bất thường xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12 năm nay.