Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của tổng công ty và của khối vận tải dự kiến tăng trưởng khá.
Cụ thể, doanh thu toàn tổng công ty (hợp nhất) dự kiến thực hiện được hơn 3.279 tỷ đồng, bằng 105,2% cùng kỳ 2021.
Riêng Công ty Mẹ, doanh thu dự kiến đạt hơn 988 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 22,5% cùng kỳ 2021 (Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Mẹ chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia).
Doanh thu khối vận tải (thu trực tiếp từ hoạt động vận tải), doanh thu dự kiến hơn 1.729 tỷ, tăng trưởng hơn 38% so với cùng kỳ 2021.
Lý giải về doanh thu tăng trưởng mạnh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngay sau khi dịch Covid-19 dần dần được kiểm soát, mở cửa du lịch trên toàn quốc, vận tải hành khách đã từng bước phục hồi.
Mặt khác, một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty vận tải đường sắt hợp tác với các công ty du lịch hoàn thiện và đưa vào khai thác, thu hút khách, tăng doanh thu như tuyến Hà Nội-Hải Phòng với mô hình kết hợp food tour Hải Phòng; sản phẩm du lịch trọn gói tuyến Hà Nội-Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, cho thuê toa xe khách cộng đồng phục vụ vui chơi, tổ chức tiệc trên tàu...
“Tuy sản lượng, doanh thu vận tải hành khách tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 nhưng chưa khôi phục, chưa đạt được mức cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch).
Hơn nữa, giá nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt trong việc duy trì giá cước cạnh tranh với các phương tiện khác và cân đối chi phí SXKD. Năng lực thông qua của tuyến Thống nhất không đáp ứng được yêu cầu của vận tải.”, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề ra mục tiêu sáu tháng cuối năm toàn tổng công ty hợp nhất đạt doanh thu hơn 3.863 tỷ đồng, bằng 105,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, công ty mẹ doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ (chưa bao gồm thu từ cung cấp dịch vụ dịch vụ sự nghiệp công từ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia) hơn 921 tỷ đồng, bằng 127,1% so với cùng kỳ. Khối vận tải doanh thu hơn 1.846 tỷ đồng, bằng 158,5% so với cùng kỳ.
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022 của Công ty Mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo đó, các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của Công ty Mẹ: Tổng doanh thu 4.364 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế âm 550 tỷ đồng; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu Công ty Mẹ: Không có lợi nhuận; Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước 115 tỷ đồng.
Không có nợ phải trả quá hạn và có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn lớn hơn 1; Kế hoạch vốn đầu tư nhỏ hơn hoặc bằng 35 tỷ đồng.
Trong năm 2021, doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 6.773 tỷ đồng. Sau khi thấu trừ các chi phí lợi nhuận sau thuế âm hơn 585 tỷ đồng. VNR cũng đã nộp gần 480 tỷ đồng thuế vào ngân sách nhà nước đồng thời tổng doanh thu thực hiện các sản phẩm dịch vụ công ích trị giá 2.820 tỷ đồng.
Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - ghi nhận doanh thu năm 2021 gần 4.012 tỷ đồng, gấp 2.5 lần so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế âm gần 565 đồng, giảm lỗ gần 19,3% so với với kế hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt giảm sút nghiêm trọng được cho là do đại dịch Covid-19. Theo đó, dịch Covid-19 kéo dài nhất là làn sóng dịch lần thứ 4 đã khiến toàn ngành phải cắt giảm số lượng tàu chạy thậm chí là dừng toàn bộ tàu chạy trong suốt nhiều tháng. Việc dừng chạy tàu ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh, khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu hành khách, hàng hoá... không đạt và giảm so với cùng kỳ.