Một người đàn ông đẩy xe giữa một trận bão cát tại thủ đô Baghdad, Iraq ngày 23-5 - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin Reuters, các nước nói trên không xa lạ gì với các trận bão cát thường xảy ra trong thời gian nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, khi gió tây bắc mạnh mang đến một lượng lớn bụi ở khắp các vùng trong khu vực.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, những cơn bão cát đến sớm với tần suất thường xuyên hơn, bắt đầu từ đầu tháng 3 và trải rộng trên một khu vực rộng lớn.
Chính phủ các nước đang phải chật vật ứng phó với các cơn bão cát dữ dội. Theo các nhà môi trường học và quan chức chính phủ, nguyên nhân của mối đe dọa này là sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và cách quản lý nguồn nước kém đang biến đất ở nhiều vùng thành cát.
Họ cảnh báo nhiệt độ ngày càng tăng cao và các hình thái thời tiết thay đổi cho thấy điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra, trừ khi chính phủ các nước hợp tác để cắt giảm lượng phát thải gây biến đổi khí hậu, giảm tác động của bão cát đối với sức khỏe người dân.
Những người chăn cừu và đàn cừu tại vùng al-Henniyah đối mặt với trận bão cát bao trùm Iraq ngày 23-5 - Ảnh: AFP
Ông Kaveh Zahedi - quan chức tại Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc - nói rằng các quốc gia bị ảnh hưởng nên đầu tư hệ thống dự báo và cảnh báo sớm, xây dựng chính sách quản lý đất và nước hiệu quả hơn, áp dụng các biện pháp bảo hiểm để giúp những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất hồi phục sau bão cát.
Có khả năng di chuyển hàng ngàn kilômet, mỗi trận bão cát và bụi có thể tàn phá hàng chục quốc gia. Chúng gây thiệt hại cho các tòa nhà, đường dây điện và cơ sở hạ tầng khác, phá hoại mùa màng, giảm tầm nhìn của tài xế và ảnh hưởng đến các loại hình giao thông trên bộ, trên không và dưới nước, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019.
Báo cáo cho biết Trung Đông và Bắc Phi thiệt hại khoảng 13 tỉ USD mỗi năm do tác động từ các trận bão cát.
Bão cát bao trùm thủ đô Kuwait ở Trung Đông - Ảnh: AFP
Hơn hai tháng qua, người dân Iraq đang sống, làm việc và hít thở bầu không khí đầy bụi, cát khi ít nhất 9 trận bão cát càn quét nước này. Các bệnh viện ghi nhận số người nhập viện tăng vọt, với hàng ngàn bệnh nhân gặp vấn đề hô hấp nặng, trong khi trường học và văn phòng phải đóng cửa và các chuyến bay phải hoãn trong nhiều ngày.
"Tôi không thể bước ra ngoài mà không che miệng", ông Azzam Alwash, nhà sáng lập của tổ chức phi chính phủ Nature Iraq, cho biết. Ông Alwash nói trận bão cát gần nhất quét qua thủ đô Baghdad đã khiến ông phải ở nhà suốt hai ngày.
Một số quốc gia trong khu vực cũng đã có những nỗ lực để chống lại các trận bão cát. Saudi Arabia đã cam kết trồng 10 tỉ cây xanh tại các biên giới của nước này để giảm lượng phát thải cacbon.
Người nước ngoài đạp xe giữa bão cát ở thủ đô Kuwait - Ảnh: AFP
Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bị che khuất trong cơn bão bụi tháng 5 - Ảnh: SHUTTERSTOCK
TTO - Những ngày qua bão cát bao trùm khu vực Trung Đông, bao gồm Iraq, Syria và Iran, khiến hàng ngàn người phải nhập viện và nhiều chuyến bay bị hủy, hoãn.
Xem thêm: mth.11193015160702202-noh-neyux-gnouht-av-mos-tac-oab-gnuh-gnod-gnurt/nv.ertiout