Theo Báo cáo tình hình lao động quý II vừa được Tổng cục Thống kê công bố, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 trong quý II đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ.
Một điểm khác biệt đáng chú ý so với các năm trước là thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II là 6,6 triệu đồng, tăng 206 nghìn đồng so với quý trước và tăng 542 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,34 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,5 triệu đồng so với 5,6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,38 lần khu vực nông thôn (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng).
Quan sát thu nhập bình quân của người lao động theo từng quý trong những năm gần đây, kể cả những năm chưa chịu tác động của đại dịch COVID-19, có thể thấy, biến động thu nhập của người lao động trong quý II so với quý I năm nay khác với xu hướng thường thấy của các năm trước.
Trong các năm từ 2019 đến 2021, thu nhập lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I. Ngược lại, trong năm nay, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II không chứng kiến sự sụt giảm so với quý trước như mọi năm mà tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tích cực và mạnh mẽ.
So với cùng kỳ năm 2021, khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, thu nhập bình quân của người lao động quý II năm nay có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,9%, tương ứng tăng khoảng 542 nghìn đồng; so với cùng kỳ năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, thu nhập bình quân của người lao động tăng 19,7%, tương ứng tăng gần 1,1 triệu đồng. Đời sống của người lao động đang dần trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm trong ngành dịch vụ chạm mốc 19,8 triệu người, cao hơn rất nhiều so với 2 khu vực còn lại nông, lâm nghiệp, thủy sản và nông nghiệp, xây dựng. Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này đến từ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 vừa qua.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam vẫn có thể đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, chú trọng hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động.
VTV.vn - Với nhiều nhà hàng, quán ăn tại TP Hồ Chí Minh, việc tìm được lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hồi phục kinh doanh là không đơn giản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.74182605160702202-gnaht-gnod-ueirt-66-nel-gnat-gnod-oal-auc-nauq-hnib-pahn-uht/et-hnik/nv.vtv