Như phản ánh trong bài viết “Ngâm án” 4 năm, người dân gặp khó, năm 2018, ông Hoàng Hữu Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà có đơn khởi kiện, yêu cầu TAND Tp.HCM tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà 102 Thân Nhân Trung, P.13, quận Tân Bình ký ngày 20/12/2007 giữa vợ chồng ông và bà Nguyễn Thị Tươi. .
Ngày 2/4/2018, TAND Tp.HCM ra thông báo thụ lý vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản”. Đến ngày 16/7/2020, TAND Tp.HCM tiếp tục ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch về tài sản đang tranh chấp” đối với căn nhà nói trên do Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Phương ký.
Đáng nói, mặc dù theo quyết định phân công giải quyết vụ án của TAND Tp.HCM, thời hạn giải quyết là 4 tháng kể từ ngày thụ lý (2/4/2018). Thế nhưng, đến nay đã hơn 4 năm, vụ án này vẫn chưa đưa được ra xét xử.
Trong khi đó, ngày 16/7/2020, TAND Tp.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp” đối với nhà, đất tại địa chỉ 102 Thân Nhân Trung.
Đại diện gia đình bà Tươi cho biết, việc cấm chuyển dịch trên đến nay đã kéo dài hơn 2 năm, gây rất nhiều thiệt hại và bức xúc cho gia đình bà.
Theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư Tp.HCM), trong trường hợp việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây thiệt hại cho người bị áp dụng thì người yêu cầu áp dụng hoặc tòa án phải bồi thường những thiệt hại trên.
Theo đó, Điều 113 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại thì phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp mà người yêu cầu đưa ra; Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá biện pháp mà người yêu cầu đưa ra; Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định pháp luật; Tòa án áp dụng biện pháp tạm thời mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thời hạn giải quyết vụ án dù phức tạp cũng không quá 06 tháng.
Quan hệ tranh chấp trong vụ án này không có bất kỳ yếu tố bất khả kháng nào, không thuộc trường hợp phải chờ cơ quan khác có văn bản giải quyết, không phải uỷ thác tư pháp, không có những quan hệ phức tạp hay chứng cứ phải mất nhiều thời gian xác minh.
Vì vậy, việc thẩm phán thụ lý kéo dài vụ án đến hơn 04 năm vẫn không ra quyết định đưa vụ án ra xét xử là không đúng quy định.
Về vấn đề này, PV đã liên hệ với Thẩm phán Nguyễn Thị Ngọc Phương (người được phân công giải quyết vụ án) để xin ý kiến. Bà Phương cho biết, đã báo cáo vụ việc này cho cấp trên, đề nghị PV liên hệ với cấp trên để trao đổi và không chia sẻ gì thêm.
Bà Vũ Thị Dung, đại diện pháp luật cho gia đình bà Tươi cho biết, gia đình đã có đơn yêu cầu TAND Tp.HCM ra quyết định gỡ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch tài sản” đối với căn nhà 102 Thân Nhân Trung, đình chỉ vụ án và trả hồ sơ cho ông Nam, bà Hà vì lý do đã hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng.
Đồng thời, gia đình cũng có đơn yêu cầu độc lập gửi TAND Tp.HCM, yêu cầu xét xử buộc gia đình ông Nam trả bà Tươi số tiền hơn 254 triệu đồng (bao gồm cả tiền gốc lẫn tiền lãi) mà ông Nam còn nợ bà Tươi, trong quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng căn nhà số 102 Thân Nhân Trung (ông Nam có viết giấy nợ nhưng đến nay vẫn chưa trả).
Được biết, trước đó vào tháng 9/2020, gia đình bà Tươi đã từng gửi đơn yêu cầu độc lập đến TAND Tp. HCM nhưng không được xem xét giải quyết và trả lời theo đúng quy định.