Theo quyết định vừa được Phó tổng thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy ký, cơ quan này lập tổ công tác kiểm tra việc quản lý Nhà nước về điều hành và kinh doanh xăng dầu. Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học & Công nghệ và 16 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải cung cấp nhiều thông tin, tài liệu liên quan.
Động thái này được đưa ra sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước và kế hoạch thanh tra bổ sung năm 2022.
Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương báo cáo việc lập, quy hoạch thương nhân kinh doanh xăng dầu; quy trình cấp phép xuất nhập khẩu cũng như sản xuất, pha chế mặt hàng này tại các doanh nghiệp.
Về vấn đề dự trữ xăng dầu, Bộ Công Thương cần cung cấp thông tin chi tiết quy trình dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia tại các đơn vị và trách nhiệm của họ khi Nhà nước yêu cầu phải đảm bảo cung cầu trên thị trường.
Nội dung khác cũng được cơ quan thanh tra yêu cầu báo cáo là quy trình trích, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu; những tồn tại, hạn chế của quỹ trong điều hành giá xăng dầu. Với giá bán, Thanh tra Chính phủ đề nghị báo cáo việc niêm yết công khai giá; kiểm tra, kiểm soát giá...
Ngoài ra, các Bộ liên quan cũng cần cung cấp thông tin lập, tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách trong quản lý, điều hành và kinh doanh xăng dầu. Những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành mặt hàng này... cần được các bộ làm rõ.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Giá xăng dầu vừa qua tăng cao, gây áp lực lớn tới chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đời sống người dân.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có 17 đợt điều chỉnh với 13 lần tăng, 4 lần giảm. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng, RON 95-III ở mức 32.760 đồng, tăng lần lượt 8.340-9.470 đồng so với cuối năm 2021.
Tương tự, dầu diesel ở mức 29.610 đồng, tăng trên 12.000 đồng so với cuối năm ngoái.
Anh Minh