Tính đến cuối tháng 6, tín dụng đã tăng trên 9,3%. Nhu cầu vay vốn dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong những tháng tới khi các doanh nghiệp đang dần khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, thực tế gần đây, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phản ánh là khó tiếp cận nguồn vốn vay, bởi nhiều ngân hàng đang cạn room tín dụng, nên thắt chặt, chọn lọc hơn trong xem xét đánh giá hồ sơ vay.
Khu nhà xưởng của Công ty cổ phần Công nghiệp H2B đành phải bỏ dở vì doanh nghiệp đang chờ vốn vay ngân hàng để hoàn thiện. Ngoài ra, nhu cầu khoảng 10 tỷ đồng vốn lưu động hàng tháng cũng rất cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng.
Nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh được đánh giá sẽ còn tăng cao hơn nữa trong nửa cuối năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi đang gặp trở ngại là nguồn vốn lưu động. Ngành cơ khí với chi phí đầu tư, máy móc, trang thiết bị là rất lớn, nên ngoài nguồn vốn đòi hỏi cho nguồn vốn lưu động chúng tôi cần nguồn vốn để phục vụ quá trình mua sắm trang thiết bị, phục vụ sản xuất", ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp H2B, cho biết.
Theo các doanh nghiệp khối SME, hiện nay nhu cầu vốn kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, vì không có nhiều tài sản đảm bảo như đất đai, nhà xưởng… nên họ rất cần những cơ chế cho vay linh hoạt hơn từ phía các ngân hàng.
"Hướng các doanh nghiệp đang muốn là ngân hàng có thêm sự hỗ trợ từ phía cơ quan, tổ chức và ngân hàng để giúp họ nới rộng thêm room tín dụng ra, hoặc họ có thể vay bằng phương thức là tín chấp", ông Jack Dũng, Chủ tịch Hệ sinh thái Doanh nghiệp Salepro, cho hay.
"Chúng tôi vẫn mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt cấp hạn mức về tăng trưởng tín dụng, nghĩa là tần suất xem xét để cấp hạn mức đó cho các ngân hàng diễn ra thường xuyên hơn để mỗi khi doanh nghiệp, ngân hàng có nhu cầu chính đáng cần sớm cấp hạn mức", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nói.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh được đánh giá sẽ còn tăng cao hơn nữa trong nửa cuối năm. Do vậy, việc xem xét cho phép mở rộng hạn mức tín dụng sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng có thể tăng cường cho vay hỗ trợ phục hồi kinh tế.
VTV.vn - Sản xuất kinh doanh đang trở lại sau dịch COVID-19, tuy nhiên dòng vốn của DN không còn dồi dào như trước dịch. Vì vậy, nhu cầu vốn vay là nhu cầu cấp thiết lúc này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.39500154170702202-hnaod-hnik-taux-nas-ohc-nov-nac-ohn-av-auv-peihgn-hnaod-ueihn/et-hnik/nv.vtv