Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo về kinh tế Việt Nam, sau cuộc tham vấn thường niên giữa Ban Điều hành IMF và Chính phủ. Theo đánh giá của tổ chức này, các chính sách thận trọng của Việt Nam trong đại dịch đã giúp duy trì giai đoạn tăng trưởng cao, giá cả ổn định và tỷ lệ nợ công thấp. GDP được dự báo tăng 6% và lạm phát là 3,9% năm nay.
"Dù lạm phát gần đây tăng tốc, do giá hàng hóa tăng và các gián đoạn về nguồn cung, số liệu này vẫn khá thấp so với trần của Ngân hàng Nhà nước. Nguyên nhân là hoạt động kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn thực phẩm tương đối ổn định và giá cả vẫn được kiểm soát", báo cáo viết.
Nhận định này cũng trùng với Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6. WB đánh giá lạm phát của Việt Nam đã nhích lên nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kiểm soát dưới 4% của Chính phủ. Trong đó, giá xăng và dầu diesel tăng vọt là yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng có chiều hướng tăng nhẹ.
Hôm 6/7, ngân hàng HSBC cũng dự báo lạm phát Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm nay. Tuy nhiên, số liệu này có thể vượt mức trần 4% ở một vài thời điểm, đòi hỏi cần bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Trong bối cảnh lạm phát lan tràn trên toàn cầu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam tăng khá thấp. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Dù vậy, IMF vẫn nhấn mạnh Việt Nam cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng trước các rủi ro về lạm phát. Nếu giá lương thực và lạm phát cơ bản tăng vọt, lạm phát dự báo sẽ lên theo, gây sức ép lên thu nhập thực và chi tiêu của các hộ gia đình.
Trong báo cáo, IMF cũng đánh giá cao các chính sách của Việt Nam nhằm giảm tác động kinh tế từ Covid-19. "Chiến dịch tiêm vaccine ấn tượng đã hỗ trợ quá trình chuyển từ zero Covid sang sống chung với đại dịch. Các chính sách hỗ trợ cũng xoa dịu tác động của Covid-19. Chính phủ đã thành công trong việc duy trì ổn định tài khóa", báo cáo viết.
Ban Điều hành IMF khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách này. Dù vậy, nền kinh tế đang phục hồi không đồng đều, thị trường lao động còn ì ạch, lĩnh vực tài chính dễ tổn thương và nhiều thách thức về cấu trúc vẫn tồn tại. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần linh hoạt và chủ động điều chỉnh theo tốc độ hồi phục và các rủi ro phát sinh.
IMF hoan nghênh Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế (PRD) mà Việt Nam đang thực hiện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu, chi tiêu hiệu quả và kiên trì thực hiện.
IMF cũng lưu ý về các khoản vay có vấn đề, bình thường hóa thủ tục hoãn trả nợ và theo dõi chặt rủi ro trên thị trường bất động sản. Cơ quan này cho rằng trong trung hạn, nguồn vốn của các ngân hàng cần được củng cố, khung chính sách về tái cơ cấu nợ tư nhân cần được tăng cường.
Việt Nam cũng nên tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước và tăng cường an sinh xã hội. Các động thái gần đây về linh hoạt tỷ giá và hiện đại hóa chính sách tiền tệ cũng được IMF đánh giá cao.
Bên cạnh đó, theo cơ quan này, ưu tiên hiện tại với các nhà hoạch định chính sách là thu hẹp khoảng cách về kỹ năng cho người lao động, khuyến khích chuyển đổi số và đảm bảo sân chơi công bằng, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc này đòi hỏi cải tổ cấu trúc để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng suất lao động và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng.
Hà Thu