Ngày 8-7, nguồn tin riêng của PLO, cho biết ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&&PTNT vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk (có cả tỉnh Lâm Đồng) về việc xử lý kỹ thuật tại dự án triển khai bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).
Đường ống uPVC tại tiểu dự án. Ảnh: TL |
Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk có ý kiến bằng văn bản cam kết về thời hạn xử lý những tồn tại, khiếm khuyết của các hạng mục công trình thuộc tiểu dự án do UBND tỉnh trực tiếp quyết định đầu tư.
Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) để được hướng dẫn về thủ tục kéo dài thời gian thực hiện dự án làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Trong khi đó, thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư), cho biết sở đã họp với các nhà thầu lên phương án khắc phục sự cố vỡ đường ống tại tiểu dự án tưới tiêu cho cây cà phê ở thôn Tiến Cường, huyện Cư Mgar.
Có 2 phương án được đưa ra. Trong đó, có cả việc điều chỉnh lại thiết kế và thuê một công ty có năng lực về xử lý các công trình thủy lợi thực hiện phần việc này.
Cùng với đó, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk thành lập Ban chỉ đạo để trực tiếp điều hành toàn bộ các hoạt động khắc phục tồn tại ở tiểu dự án. Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc sở làm trưởng ban chỉ đạo.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Dương, cho biết rất khó để thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh (đưa công trình vào hoạt động trước ngày 30-6 này).
Theo ông Dương, Tây Nguyên đang là lúc mùa mưa cao điểm. Do đó, sở đề nghị việc thi công để khắc phục sự cố được hoàn thành trước ngày 30-11. Cuối 2022 chủ đầu tư sẽ tập trung vận hành thử, kiểm tra để đưa công trình vào vận hành chính thức trước ngày 31-12-2022.
Chia sẻ với PLO, đại diện Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kỳ Nguyên (nhà thầu dự án) cho biết, nếu chủ đầu tư thống nhất điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế để khắc phục sự cố dự án, công ty mới hợp tác.
Theo vị đại diện công ty này, do sai từ khâu thiết kế dẫn đến chọn vật liệu (đường ống uPVC) không chịu lực được mỗi khi vận hành chạy thử. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố 13 lần rò rỉ, vỡ đường ống tại dự án tưới tiêu ở thôn Tiến Cường.
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở NN&PTNT sớm khắc phục tồn tại, khiếm khuyết của dự án nhằm đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30-6. Nếu quá thời hạn nêu trên mà vẫn chưa thực hiện khắc phục, UBND tỉnh sẽ giao Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan CSĐT để điều tra, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Như đã đưa tin, dự án tưới tiêu cho cây cà phê ở thôn Tiến Cường có tổng mức đầu tư hơn 72 tỉ đồng (sau điều chỉnh), bằng vốn vay chủ yếu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của tỉnh Đắk Lắk. Chủ đầu tư dự án là Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk.
Nhà thầu thi công dự án là Liên danh Phát triển nông thôn - Kỳ Nguyên - Bình Nguyên (gồm Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên và Công ty TNHH Kỹ nghệ Bình Nguyên). Đơn vị tư vấn thiết kế: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Cenco (trụ sở ở Hà Nội). Đơn vị thẩm tra là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại NEWSTECH.
Sau khi công trình vừa hoàn thành, nhà thầu đã thực hiện vận hành chạy thử liên tục xảy ra sự cố vỡ đường ống. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đến nay có 13 lần vỡ, rò rỉ đường ống.
Theo Kết luận của Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Đắk Lắk, tiểu dự án này có nhiều tồn tại, thiếu sót từ thiết kế đến thi công.
“Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống và rò rỉ nước tại khớp nối của của dự án (giai đoạn vận hành thử và thử áp) là do những tính toán, thiếu sót của thiết kế, cộng thêm việc triển khai thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế.
Trường hợp triển khai đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, công trình cũng không thể đưa vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng”, kết luận Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Đắk Lắk nêu.