Sau khi được tàu vớt, chị Liên được đưa vào trạm biên phòng Cảng Gianh chăm sóc y tế - Ảnh: PHAN VĂN HOÀNG
"Tôi hết sức may mắn mới không mất con" - ông Lê Tiến Lực, bố ruột chị Lê Thị Liên (41 tuổi, ở thôn Trung Hòa, xã Hải Phú, Bố Trạch, Quảng Bình), vẫn chưa hết xúc động vì vui mừng sau hai ngày con gái được cứu sống. Hai con trai của chị Liên dù đã lớn cũng sụt sùi khi nhắc chuyện vừa xảy ra với mẹ.
"Ba đi xuất khẩu lao động đã nhiều năm. Suýt nữa hai anh em đã không còn mẹ", người anh nghẹn ngào nói.
May mắn kỳ lạ
Nhà riêng của mấy mẹ con chị Liên sống ở sát bờ biển xã Hải Phú. Bình thường chị vẫn dậy đi thể dục theo con đường dọc bờ biển. Tuy nhiên, sáng 4-7 là một buổi sáng định mệnh. Chị đi thể dục từ lúc 5h sáng như bình thường, nhưng đến 7h vẫn chưa về nên cả nhà đổ đi tìm.
Đến khoảng 9h - 10h sáng cùng ngày, tăm hơi chị Liên vẫn mất hút. Linh cảm điều không lành, cả nhà huy động thêm bà con làng xóm đi tìm rộng ra. Hàng trăm người tỏa đi tìm hết những nơi nghi vấn trong vùng, tìm cả ở những nhà hoang, rừng dương ven biển hay khu đồi núi rìa quốc lộ 1.
"Những tình huống xấu nhất đều được đưa ra. Nhưng không ai nghĩ đến việc Liên đi xuống biển, vì Liên từ nhỏ đến nay không hề thạo bơi", anh Dũng - anh trai cả của chị Liên - cũng chưa hết ngạc nhiên.
Đến khoảng giữa trưa, tung tích chị Liên vẫn bặt vô âm tín. Ông Lực nói thật là hy vọng tìm thấy con càng cạn dần. Và điều kỳ diệu đã bất ngờ đến. Đó là một cuộc điện thoại từ trạm biên phòng Cảng Gianh.
Đại úy Phan Văn Hoàng, trạm trưởng trạm biên phòng Cảng Gianh, cũng bất ngờ với chuyện may mắn kỳ lạ này. Anh kể khoảng hơn 13h chiều, trạm nhận được tin báo của một ngư dân tại phường Quảng Phúc về việc phát hiện một phụ nữ còn sống ở cách bờ khoảng 2km và đang đưa vào bàn giao cho trạm.
Khi tàu cá vào trạm, đại úy Hoàng thấy tình trạng khá yếu của cô ấy nên đã nhờ quân y kiểm tra sức khỏe và nấu cháo cho chị ăn.
"Chị Liên tụt huyết áp nghiêm trọng vì ngâm lâu trong nước biển. Sau khi được trạm nấu cháo cho ăn thì chị đã bình tĩnh hơn và nhớ được nơi ở. Chúng tôi gọi về địa phương xác nhận và báo người nhà ra đón về", đại úy Hoàng kể.
Về nhà, khi tỉnh hồn lại, chị Liên mới kể thấy nhiều người đang tắm biển nên ra tắm và bị sóng cuốn trôi.
Sau khi cứu người, ông Vững lại ra khơi - Ảnh: QUỐC NAM
"May của Liên, cũng là may của tui"
Khi chúng tôi đến, ngôi nhà ông Lê Tiến Lực, bố ruột của chị Liên, đang đón vị khách đặc biệt: ông Nguyễn Tiến Vững, chủ tàu cá đã phát hiện và cứu được chị Liên trên biển.
Ông Lực vừa nói chuyện vừa siết chặt tay ông Vững như người thân: "Tui đẻ con ra và nuôi 41 năm. Nay anh Vững tái sinh nó lần nữa. Không biết nói răng cho hết nghĩa tình này".
Riêng với ông Vững, câu chuyện vừa qua cũng khiến ông thấy vui trong lòng. Ông nói thật chuyện mấy hôm nay cả nhà đang phải chuẩn bị để ra lại nơi cứu được chị Liên "trả lễ" cho biển như lệ của người làm nghề treo mạng trên sóng gió. Ông cũng nói thật chuyến biển vừa rồi tàu ông lỗ mất gần 200 triệu đồng.
"Nhưng cứu được người là tui thấy vui rồi, những chuyện khác không còn quan trọng nữa. Chuyến biển này lỗ thì tui gắng đi chuyến sau để bù".
Ông Vững năm nay 50 tuổi, riêng tuổi nghề cũng ngót nghét 40 năm. Nhưng ông cũng không thể hình dung được may mắn kỳ lạ của chị Liên trong hành trình 7 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển vừa qua. Ông vẫn nhớ rõ từng khoảnh khắc lúc tàu ông phát hiện chị Liên.
Giữa biển cả mênh mông, người phụ nữ này chỉ như một dấu chấm nhỏ. Tàu ông Vững đã vuột qua, nhưng một người trên tàu phát hiện có gì đó nổi lên giống người ở khoảng cách khoảng 500m phía sau. Ông Vững nghe bạn thuyền nói thì vội quay tàu lại.
Nhưng ông Vững nói cái may này vẫn chưa phải là cái may lớn nhất của chị Liên. Tàu ông là tàu lớn, chuyên đi đánh bắt vùng biển gần đảo Hoàng Sa, thường mỗi chuyến biển phải kéo dài 20 ngày mới về.
Nhưng như một sự sắp đặt của "phép màu", chuyến biển này ông lại cho tàu về bờ vào ngày thứ 13. Cũng không phải tự nhiên mà ông cho tàu về bờ sớm đến mức ngay cả bạn thuyền trên tàu cũng bất ngờ như thế.
"Tối trước đó tàu tui cũng bật đèn vây cá như thường lệ ở điểm cách bờ hơn 60 hải lý. Nhưng điều ngạc nhiên là vừa bật đèn lên, cá vừa đến thì không hiểu từ đâu một bầy cá heo hơn trăm con cũng kéo đến phá suốt gần 2 giờ đồng hồ.
Không còn con cá nào vô lưới vây, đến khoảng 1h sáng 4-7 thì tui nóng ruột quyết định quay tàu chạy về bờ. Đến khoảng 13h thì phát hiện chị Liên trên biển", ông Vững kể.
Vị trí tàu ông Vững phát hiện chị Liên cách bờ khoảng 2km. Ông Vững nói ban đầu nhìn từ xa ông vẫn ngỡ rằng đó là người đang lặn biển. Cho tàu tiến lại gần, ông mới giật mình vì đó là người phụ nữ và càng kỳ diệu hơn là người này còn sống dù không hề thạo bơi. Ông thả chiếc thuyền thúng, hai bạn tàu xuống đưa người phụ nữ lên tàu.
Ông Luận, một trong hai người trực tiếp xuống đưa chị Liên lên, kể khi thuyền thúng tiếp cận thì chị Liên chỉ có cử động hai tay khua trong nước trong trạng thái mơ hồ, mất hồn. Hai người hợp sức nắm lấy tay chị kéo lên rồi chèo về tàu lớn lấy áo quần và chăn ra ủ ấm một lúc chị mới nói được vài tiếng.
"Đó là hành trình may mắn kỳ diệu đến mức khó tin. Nhưng may mắn của Liên cũng là may mắn của tui. Cứu được người là điều quan trọng nhất", ông Vững nói.
Cuộc gặp gỡ ân tình của ông Lực (đầu tiên từ phải sang) và ân nhân là ông Vững (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: QUỐC NAM
Vì sao không thạo bơi mà trôi 7 tiếng không chìm?
Đến thời điểm ngày 7-7, mặt vẫn còn bị phồng rộp nhưng sức khỏe chị Liên đã ổn định. Chị đã có thể nhớ lại được phần lớn câu chuyện xảy ra với mình. Nhưng ông Lực nói ngay cả khi nhớ lại con gái cũng không thể lý giải được lý do vì sao mình có thể nổi được trên mặt nước trong khoảng thời gian dài dù không thạo bơi. Liên chỉ nhớ mình cứ "cố đập tay xuống nước và nổi lên".
Còn ông Vững, chủ tàu cá, cũng kể khoảnh khắc tiếp cận chị Liên giữa biển, thấy chị trong trạng thái thẳng đứng, chỉ lộ phần đầu lên mặt nước.
"Hai tay Liên khi đó ép sát thân và co lên khua khua hai bàn tay xuống nước. Khi đưa lên tàu, chân chị cũng cứng lại vì ngâm lâu trong nước. Nhưng kỳ lạ là chị vẫn không chìm", ông Vững kể và nói thật chính mình cũng khó hiểu "phép màu" nào đã cứu người phụ nữ không thạo bơi sinh tồn được suốt 7 tiếng trên biển.
"Có duyên" cứu người trên biển
Ông Vững là người cứu được chị Liên. Nhưng đây không phải là lần đầu ông cứu được người trên biển. Ông kể cách đây 5 năm, trong một chuyến biển dài ngày ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, ông cũng từng cứu hai người quê Thanh Hóa.
Thời điểm đó, tàu ông đang đánh bắt ở điểm cách bờ khoảng hơn trăm hải lý thì bỗng phát hiện một thuyền thúng trôi trên biển, trên thuyền thúng này là hai người đã mệt lả. Ông tiếp cận đưa lên tàu mới biết họ là bạn của một tàu cá khác, xuống thuyền thúng để câu thì bị trôi và lạc khỏi tàu chính.
Ông Vững cũng đưa hai người về bờ, bàn giao cho cơ quan chức năng xong mới trở lại biển.
"Cứ coi như số phận chọn tui. Chọn thì tui nhận và sẽ tiếp tục cứu người nếu gặp", ông Vững cười.
TT - Khi bị sóng lớn đánh chìm xuồng, ngư dân Nguyễn Văn Lộc (26 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã có 21 giờ vật lộn với biển động để thoát chết.
Xem thêm: mth.8724013270702202-neib-nert-oig-7-taig-iort-un-uhp-iougn-uuc-uam-pehp/nv.ertiout