Phụ nữ đối mặt với nguy cơ trầm cảm sau sinh cao hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh: CHANNEL NEWS ASIA
Tại Việt Nam, các nghiên cứu ở một số bệnh viện phụ sản cho thấy tỉ lệ trầm cảm sau sinh 11,6 - 33%, ước tính có gần 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh. TS Vũ Thy Cầm - trưởng phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - chia sẻ như vậy tại hội thảo chuyên đề "Sức khỏe tâm thần: Trầm cảm sau sinh" vừa được bệnh viện tổ chức.
Trầm cảm sau sinh và các hệ lụy khôn lường
Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều thông tin về các vụ mẹ giết con rồi tự tử, mẹ tự tử... có liên quan đến tình trạng trầm cảm sau sinh.
Tháng 2-2022 tại Hà Tĩnh, chị Lê Thị H. (39 tuổi) nghi chém chết con trai 2 tháng tuổi và toan tự tử nhưng không thành. Theo kết quả điều tra ban đầu, chị H. bị trầm cảm sau sinh.
Cũng vào tháng 2-2022, tại TP.HCM, chị C. (34 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) và con gái 7 tháng tuổi tử vong tại nhà trọ. Theo thông tin ban đầu, trước khi xảy ra vụ việc, chị C. có dấu hiệu bị trầm cảm. Đây chỉ là những trường hợp được biết đến khi đã xảy ra hậu quả nặng nề, không thể cứu vãn.
Còn chị T. (21 tuổi, ở Bố Trạch, Quảng Bình), điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), may mắn khi được gia đình phát hiện kịp thời. Người mẹ trẻ 21 tuổi tự tử không thành khi vừa sinh con được 2 tuần.
Theo lời kể của gia đình, chị T. là người vui vẻ, hòa đồng, chị mang thai khi đang học năm thứ 3 tại một trường đại học nên phải tạm nghỉ để sinh con. Do có thai trong quá trình đang học và chưa cưới nên tâm lý khá căng thẳng. Chồng chị T. là người ít thể hiện sự quan tâm, chia sẻ với vợ.
Sau khi sinh con được 13 ngày, chị T. có biểu hiện khó ngủ, chỉ ngủ 3-4h mỗi đêm. Chị luôn có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn trước và thường hay ngồi một mình, hay khóc lóc và có cảm giác khó chịu khi nghe tiếng con khóc.
Một ngày, gia đình phát hiện chị dùng dao rạch bụng để tự sát. Người nhà đưa chị vào Bệnh viện Việt Nam Cuba (Quảng Bình) cấp cứu, may mắn giữ được tính mạng nhưng chị T. vẫn phải theo dõi sức khỏe tâm thần.
Gia đình đưa chị đến thăm khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần và được chẩn đoán bị rối loạn hành vi và tâm thần nặng, trong đó yếu tố trầm cảm sau sinh chiếm ưu thế.
Dấu hiệu nào nhận biết sớm trầm cảm sau sinh?
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, trong năm 2021 viện này tiếp nhận 27 sản phụ có biểu hiện bị rối loạn tâm thần sau sinh, trong đó có nhiều ca có ý tưởng tự sát.
"Đây là những trường hợp nặng nề được gia đình đưa tới viện. Tuy nhiên, còn rất nhiều trường hợp sản phụ có biểu hiện nhẹ hoặc không chia sẻ, cố tình giấu bệnh dẫn tới tình trạng nặng nề hơn.
Hoặc có trường hợp biểu hiện bằng triệu chứng khác như mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực, không đến viện mà đi khám chuyên khoa về thần kinh, tim mạch nên không tìm ra được căn nguyên để điều trị", ông Tuấn cho hay.
Theo các bác sĩ, nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới trầm cảm sau sinh như mang thai trong độ tuổi dưới 18, người mẹ trải qua những sự kiện gây căng thẳng trong tiền sử như bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp...
Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ như sản phụ thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm, chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng, hay những mâu thuẫn trong gia đình cũng gây trầm cảm sau sinh.
Theo TS Cầm, trong thời kỳ sinh đẻ, người phụ nữ có nhiều thay đổi về giải phẫu, sinh lý, tâm lý, xã hội. Trầm cảm sau sinh khởi phát trong vòng 4 tuần đầu sau sinh.
Biểu hiện trầm cảm sau sinh ở nhiều mức độ khác nhau và thường có các triệu chứng như bồn chồn, lo lắng, mất ngủ, lo âu, nghĩ bản thân và đứa bé là gánh nặng, có ý định tự sát một mình hoặc sát hại con...
Mẹ trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến con
Cũng theo TS Cầm, các nghiên cứu cho thấy trầm cảm sau sinh không chỉ khiến người mẹ gặp khó khăn mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.
"Mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm, do đó trẻ dễ bị mắc các bệnh về tiêu hóa, truyền nhiễm.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh có mẹ trầm cảm có tính khí thất thường và ít tập trung chú ý, có thể gặp các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành. Trẻ sơ sinh có mẹ trầm cảm có sự gia tăng hormone (cortisol), có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, hay khóc hơn và ít được chăm sóc hơn trẻ có mẹ không bị trầm cảm.
Một nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sơ sinh có mẹ bị trầm cảm tăng trưởng kém hơn trẻ sơ sinh có mẹ không bị trầm cảm. Trọng lượng trẻ em sinh ra có mẹ bị trầm cảm có nguy cơ bị nhẹ cân, chậm phát triển chiều cao gấp 3 lần đến 4 lần (trong tháng thứ 6 đầu đời) so với nhóm trẻ có mẹ không bị trầm cảm", bà Cầm thông tin.
Cần làm gì để tránh trầm cảm sau sinh?
Theo các bác sĩ tâm lý, bản thân người phụ nữ sau sinh cần học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi, không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, không nên quá kỳ vọng để trở thành người mẹ hoàn hảo.
Ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi khi con đang ngủ và dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè và người thân.
Về phía gia đình, nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh, đặc biệt là người chồng cần luôn lắng nghe, cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi có dấu hiệu trầm cảm, cần được khám sớm tại chuyên khoa sức khỏe tâm thần.
TTO - Trước nay chúng ta thường nghĩ đối tượng bị 'trầm cảm sau sinh' chỉ ở các bà mẹ, nhưng nghiên cứu mới của Anh đã chỉ ra rằng ngay cả các ông bố cũng dễ rơi vào trạng thái trầm cảm cùng lúc với vợ mình.
Xem thêm: mth.58101748080702202-naod-nahc-coud-gnohk-05-hnis-uas-mac-mart-ib-un-uhp/nv.ertiout