Những buổi đi chơi công viên luôn được trẻ em nhà tôi háo hức đợi chờ - Ảnh: THU NGA
Tôi đang ở đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (TP.HCM). Nơi tôi ở là khu dân cư tự phát, hình thành hơn 20 năm trước. Hạ tầng, đường sá ở khu vực này đã được cải thiện dần những năm qua nhưng một công viên (dù nhỏ) đến nay vẫn chưa có.
Muốn dẫn các cháu nhỏ đến công viên vui chơi hay tập thể dục, chúng tôi phải đi khoảng 3km qua khu Tên Lửa, thuộc phường Bình Trị Đông B hay xa hơn là công viên Phú Lâm, cách nhà khoảng 5-6km.
Vài năm trước, góc đường Bình Trị Đông - Chiến Lược có một khu đất mấy ngàn mét vuông bỏ hoang nhiều năm được san lấp. Tôi ước nơi này sẽ được làm công viên. Nhưng hỏi thăm được biết đây là đất của tư nhân và nay đã biến thành quán cà phê, khu ăn uống...
Thỉnh thoảng tôi vẫn chạy bộ vào các con hẻm dọc đường Hương lộ 2 hoặc đường Bình Trị Đông, hỏi thăm về các khu đất bỏ trống thì được trả lời là đất quy hoạch công viên, cây xanh, công trình công cộng.
Có rất nhiều khu đất như vậy, mỗi khu đất diện tích không dưới 1.000m2 nhưng bao nhiêu năm qua để cỏ mọc đầy, người dân xung quanh thì không có nơi vui chơi, tập thể dục. Mỗi buổi sáng, người dân muốn tập thể dục phải đi bộ dưới lòng đường có nhiều xe tải, rất nguy hiểm.
Hằng ngày, trên đường đi làm về, qua các quận khác, tôi để ý không ít nơi dù có rẻo đất rất nhỏ, chỉ vài chục mét, nhưng chính quyền ở đây cũng lắp đặt máy tập thể dục để người lớn và trẻ con có nơi tụ tập, vui chơi an toàn.
Nhìn lại những khu đất trống bỏ hoang nhiều năm ở gần khu dân cư mình, tôi cảm thấy tiếc quá! Tôi chỉ ước rằng: nếu 1/10 trong số đó biến thành công viên để người dân có nơi vui chơi, tập thể dục hằng ngày thì hay biết mấy!
Tôi hiểu việc chờ rót kinh phí để lập quy hoạch rồi bồi thường, làm dự án công viên có thể phải trải qua nhiều bước thủ tục, cần nhiều thời gian. Nhưng nếu có chủ trương xã hội hóa và chỉ cần làm đơn giản: san lấp mặt bằng, trồng cỏ... rồi sau đó cho tư nhân khai thác khu vui chơi một phần diện tích để bù lại chi phí họ đã bỏ ra thì tôi nghĩ cách làm này sẽ nhanh hơn nhiều.
HĐND TP.HCM từng có nghị quyết về đầu tư, xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em trên địa bàn TP giai đoạn năm 2011 - 2015. Sau đó, TP.HCM có hàng loạt khu vui chơi cho trẻ được hình thành. Đó là một nghị quyết vô cùng có ý nghĩa đối với trẻ em, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP.
Tuổi Trẻ Online ngày 16-5-2022 đăng bản tin: "TP.HCM xây dựng tối thiểu 10ha công viên công cộng trong năm 2022". Trong đó, TP.HCM hướng tới mục tiêu năm 2025 sẽ tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên công cộng, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng trên địa bàn.
Đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3 - 4 m2/người. Đọc xong bản tin này, tôi lại nuôi hy vọng. Hy vọng những khu dân cư nơi tôi đang sinh sống sẽ có một công viên, dù nhỏ.
Hy vọng HĐND TP.HCM có một nghị quyết tương tự về việc xây dựng công viên, đặc biệt là các quận ven, các quận mới và huyện còn thiếu không gian vui chơi, giải trí chung, để mọi người tham gia tập thể dục nhiều hơn, bớt đi những thanh niên vào quán nhậu, bớt chuyện em nhỏ vào tiệm chơi game...
Để tạo môi trường sống sạch đẹp, có không gian cho mọi người dân tham gia sinh hoạt, theo bạn cần những giải pháp nào?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
TTO - Hàng loạt dự án quy hoạch công viên tại TP.HCM nhiều năm qua vẫn nằm trên giấy do chờ ngân sách đầu tư, trong khi các quận huyện phải "chữa cháy" bằng cách vận động trồng thêm cây xanh ở "bất cứ nơi nào có thể".