Tàu cá vỏ thép 67 chìm trong biển nợ
Nghị định 67 năm 2014 của Chính phủ hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng mới đội tàu cá cả nghìn chiếc đánh bắt xa bờ hiện đại là chủ trương đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta.
Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, đa phần số tàu cá này làm ăn thua lỗ. Không trả được nợ, ngân hàng kiện ngư dân ra tòa và bán thanh lý con tàu với giá chỉ 10% giá đóng mới. Mất tàu những ngư dân từng được xem là tiêu biểu sẽ làm gì với số nợ lên đến cả chục tỷ đồng?
Các chủ tàu cá vỏ thép 67 đang không thể trả nợ vay ngân hàng.
Hôm nay ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) ra biển khác với trước đây bởi không phải trên chiếc tàu từng là cơ nghiệp mà trên chiếc thúng nhỏ bé, mong manh. Con tàu vỏ thép của ông theo chương trình hiện đại hoá tàu cá của Nghị định 67 đã bị thanh lý vài tháng trước.
"Tôi vay theo Nghị định 67 là 10 tỷ đồng. Với món nợ đó, ngư dân như tôi làm ngày có ngày không thì suốt đời không trả được món nợ cho ngân hàng", ông Thu chia sẻ.
Cách nhà ông Thu không xa, nhiều ngư dân sản xuất giỏi, từng được ưu tiên vay vốn đóng tàu vỏ thép cũng đang ngập chìm trong biển nợ.
Mất tàu, ngư dân Trần Đậu (xã Duy Vinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) như cá mất biển. Những bức ảnh là kỷ vật về một thời dọc ngang trên biển khơi của tổ quốc chính ông Đậu cũng chưa biết liệu nó còn được treo ở nhà bao lâu nữa bởi ngôi nhà của ông đang bị kê biên do vướng vào lưới nợ của tàu cá 67.
Ông Đậu cho biết: "Làm nghề, thu chưa đủ chi mà lấy gì trả nợ ngân hàng. Hiện tàu không có để ra khơi, còn cái nhà nếu ngân hàng có thu thì trắng tay".
Nhiều chủ tàu cá vỏ thép 67 đang chìm trong biển nợ.
Vùng biển Quảng Ngãi - quê hương của những ngư dân can trường trên biển cả. Ông Nguyễn Thanh Hồng (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bất lực khi con tàu và cả ngôi nhà bị bán thanh lý. Chưa biết đi đâu, ông thuê lại chính ngôi nhà của mình để cả gia đình tá túc qua ngày. Tiền thuê nhà ông cũng không trả nổi nói gì số nợ vay 16 tỷ đồng.
"Trong thành phố Quảng Ngãi tôi là người đi tiên phong trong việc đóng tàu cá vỏ thép. Tôi đã biết được ngư trường và luồng cá nhưng do thiếu bạn, tôi đã thất bại với con tàu. Buồn, buồn lắm!", ông Hồng chia sẻ.
Tại miền Trung, không chỉ các chủ tàu cá vỏ thép của tỉnh Quảng Ngãi bị mất nhà, 36 chủ tàu vỏ thép tỉnh Quảng Nam bắt đầu lo lắng khi cơ quan chức năng kiểm kê tài sản, trong đó có nhà ở. Theo cơ quan chức năng, nếu ngư dân không trả hết các khoản nợ đã vay, việc cưỡng chế tài sản không thế chấp để thi hành án có thể thực hiện.
Bà Vũ Thị Tố Nga - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Quảng Nam cho hay: "Theo quy định của hợp đồng tín dụng ngư dân ký kết với BIDV, nghĩa vụ của ngư dân đối với việc trả nợ còn rất nhiều. Ngư dân phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ vay vốn đối với ngân hàng, mặc dù là đã xử lý xong tài sản đảm bảo là con tàu hình thành từ vốn vay".
Dù con tàu đã bán thanh lý với giá phế liệu thì mỗi chủ tàu vỏ thép vẫn gánh nợ các ngân hàng từ 10 đến 16 tỷ đồng. Dư nợ vay vốn của 1.200 tàu cá các loại đóng theo theo Nghị định 67 đã lên đến gần chục nghìn tỷ đồng.
Trong khi chờ đợi các phương án hỗ trợ ngư dân, cơ quan chức năng cần làm rõ vì sao 70% số tàu cá vay vốn đóng mới theo Nghị định 67, kể cả tàu vỏ gỗ đều làm ăn thua lỗ kéo dài? Và vì sao hầu hết tàu cá vỏ thép vừa hạ thủy đã phải nằm bờ để rồi ngư dân đắm chìm trong biển nợ như hôm nay?
Hướng tháo gỡ nợ xấu
Đến hết năm 2020, việc cho vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 cũng đã kết thúc. Theo thống kê, tổng vốn đầu tư là hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong đó giải ngân được hơn 2.800 tỷ đồng và có tới 67% là nợ xấu.
Thời hạn phải trả chỉ còn 3 năm đang là một thách thức cho cả ngư dân và ngân hàng. Chính vì vậy, vấn đề lớn đặt ra lúc này là làm thế nào để tháo gỡ nợ xấu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nợ xấu không chỉ đến từ nguyên nhân khách quan như ngư trường cạn kiệt, giá xăng dầu tăng cao, mà còn đến từ chính chủ quan của ngư dân.
"Trong số chủ tàu nợ xấu, nhiều chủ tàu xây dựng kế hoạch sản xuất không am hiểu nghề mà mình đóng tàu. Thứ hai, rất nhiều chủ tàu coi chính sách Nghị định 67 là chính sách hỗ trợ của nhà nước, chưa nhận thức rõ đây là khoản vay tín dụng của ngân hàng thương mại mà chủ tàu phải trả", ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay.
Một số tỉnh cũng đã thành lập các Tổ công tác hỗ trợ ngân hàng kiểm soát nguồn thu nhập của các chủ tàu trên từng chuyến biển, hỗ trợ thu hồi nợ nhưng kết quả không mấy khả quan.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, đã có nhiều trường hợp cả ngân hàng và chủ tàu phải kéo nhau ra tòa để giải quyết. Thực tế đang cần một chính sách mới để tháo gỡ khi Nghị định 67 đã dừng từ năm 2020.
Hơn 1.000 tàu cá được hỗ trợ đóng mới và giờ số tiền nợ xấu đang vào khoảng gần 6.400 tỷ đồng thực sự là một bài học kinh nghiệm đắt đỏ.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang rà soát sửa đổi Nghị định 67, trong đó có chính sách chuyển đổi chủ tàu, tiếp tục hỗ trợ lãi suất hiện nhà nước đang hỗ trợ 6%".
Các ngân hàng cũng đề nghị có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù, đặc biệt là trường hợp phát mãi để thu hồi nợ do tính chất tàu cá là ít người mua.
Hơn 1.000 tàu được hỗ trợ đóng mới và giờ số tiền nợ xấu đang vào khoảng gần 6.400 tỷ đồng thực sự là một bài học kinh nghiệm đắt đỏ. Xây dựng cơ chế chính sách như thế nào để từng đồng vốn phát huy hiệu quả chứ không chỉ là chuyện nâng cấp phương tiện, không tính toán tới lợi ích lâu dài hay phát triển bền vững.
VTV.vn - Vay tiền đóng mới tàu nhưng làm ăn không hiệu quả, tàu "mắc cạn" trên bờ gỉ sét. Ngư dân giờ chỉ có thể bán tàu với giá phế liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.77830640280702202-gnah-nagn-yav-on-art-eht-gnohk-76-peht-ov-ac-uat-uhc/et-hnik/nv.vtv