Tiêu chuẩn trình độ đào tạo với công chức kế toán, thuế, hải quan
Ngày 3-6, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.
Theo Thông tư 29, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan đã không còn yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo ngạch đối với tất các vị trí.
Cụ thể, công chức là kế toán viên, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên hải quan chỉ cần có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm (đối với kế toán viên là ngành kế toán, kiểm toán, tài chính) và có chứng chỉ bồi dưỡng, kỹ năng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và tương đương.
Kế toán viên trung cấp chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính.
Kiểm tra viên trung cấp thuế, kiểm tra viên trung cấp hải quan chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18-7-2022.
Tiêu chuẩn trình độ đào tạo với viên chức văn thư
Ngày 1-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 02 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện.
Theo Thông tư mới, viên chức chuyên ngành thư viện sẽ được bổ sung chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I mã số V.10.02.30.
Đây là hạng chức danh mới trong các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện với yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:
- Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Trường hợp tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện.
Tương tự như hạng viên chức mới được bổ sung, các hạng cũ không còn yêu cầu viên chức phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-8-2022.
Tiêu chuẩn trình độ đào tạo với viên chức công nghệ thông tin, an toàn thông tin
Ngày 30-6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 08/2022 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin.
Theo đó, nếu như trước đây chức danh viên chức an toàn thông tin, quản trị viên hệ thống, Kiểm định viên công nghệ thông tin, Phát triển phần mềm nằm trong ngạch viên chức công nghệ thông tin thì nay sẽ phân định thành hai nhóm gồm viên chức chuyên ngành an toàn thông tin các hạng I, II, III, IV và viên chức công nghệ thông tin các hạng I, II, III, IV.
Trong đó, tiêu chuẩn về trình độ đạo tạo của các hạng chức danh trên không còn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ theo bậc mà quy định sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Thông tư 08/2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8-2022.
Tiêu chuẩn trình độ đào tạo với viên chức âm thanh, phát thanh viên, kỹ thuật dựng, quay phim
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 07/2022/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung Thông tư 46/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức âm thanh, phát thanh viên, kỹ thuật dựng, quay phim.
Nếu như Thông tư 46/2017 yêu cầu viên chức âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim phải có trình độ ngoại ngữ theo bậc và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng thì theo Thông tư 07/2022, viên chức các vị trí nêu trên chỉ cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Theo đó, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo áp dụng từ ngày 15-8 được quy định như sau:
- Viên chức âm thanh viên chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với hạng IV, đại học trở lên với hạng III, II, I chuyên ngành âm thanh, công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
- Viên chức kỹ thuật dựng phim chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với hạng IV, đại học trở lên với hạng III, II, I chuyên ngành kỹ thuật sản xuất chương trình truyền hình, truyền thông đa phương tiện, công nghệ truyền hình, công nghệ truyền thông và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Trường hợp tốt nghiệp đại học ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ dựng phim hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng chuyên ngành dựng phim, công nghệ truyền hình...
- Viên chức phát thanh viên chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với hạng IV và đại học trở lên với hạng III, II, I và chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn trình độ đào tạo với viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở
Có hiệu lực từ ngày 25-8, Thông tư 03/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành văn hóa cơ sở sẽ bỏ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ theo bậc và trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng.
Thay vào đó, viên chức chuyên ngành văn hóa chỉ cần có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
Ngoài ra, chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không còn phân theo hạng mà dùng chung một loại chứng chỉ.