Kim Ngọc vui vẻ với công việc làm thêm hiện tại - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Như trong giai đoạn COVID-19, khi người lao động cả nước đang lao đao vì chịu nhiều ảnh hưởng, doanh nghiệp vì quá khó khăn mà phải đóng cửa thì một số bạn trẻ vẫn có thu nhập ổn định nhờ dám thay đổi.
Linh động thay đổi
Ngồi trong một tiệm cà phê đông đúc ngay giữa trung tâm quận 1 (TP.HCM), chàng kỹ sư công nghệ thông tin Lê Huy Hoàng nói đã rùng mình khi nhớ lại thời điểm COVID-19. Có thể nói thành công đến sớm với Hoàng khi nay chỉ mới 26 tuổi nhưng anh từng nhận được mức lương gần 5.000 USD/tháng (trên 100 triệu đồng) từ nhiều năm trước.
Khi COVID-19 ập tới, nhà đầu tư ngưng tài trợ tiền, dự án mà Hoàng đang tham gia dưới vai trò là một lập trình viên lập tức gặp khó, lương thưởng từ đó cũng "tắt ngúm". Mọi chuyện thay đổi quá nhanh cộng với việc một người đang có mức thu nhập cao bỗng thất nghiệp, chưa kể đến phải ở một chỗ vì giãn cách xã hội thời điểm đó khiến Hoàng như chới với.
"Nhiều đêm nằm vắt óc nghĩ mãi mà không hiểu sao ra nông nỗi này, chốt ra được một điều đó là mình phải thay đổi", Hoàng nhấn mạnh.
Thay đổi đầu tiên mà Hoàng làm là thay vì làm công ăn lương cho những tập đoàn lớn như trước thì lần này anh đứng ra làm "ông chủ" để thầu lại từng dự án nhỏ. Trước đó chỉ tập trung làm một lập trình viên viết web hoặc các ứng dụng thì giờ đây Hoàng kiêm từ "A đến Z" các khâu liên quan đến nghề.
Nói về những thay đổi giúp mình "sống sót" qua trận đại dịch, Hoàng tâm sự: "Để sống sót thì tôi cũng phải mở lớp dạy nghề, kể cả việc trái tay nhưng nếu làm được, làm tốt thì tôi vẫn nhận làm".
Đến nay đã gần hai tháng kể từ ngày Kim Ngọc - cô sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - làm bưng bê cho một tiệm cà phê nằm trên đường Nguyễn Quý Anh (quận Tân Phú) với mức lương hơn 19.000 đồng/giờ. Phục vụ quán cà phê cũng được xem là "trái nghề" bởi vốn trước đó Ngọc đã quen với công việc bán đồ ăn.
"Thời gian đầu làm ở quán cà phê thì vất vả hơn bởi phải ghi nhớ nhiều loại thức uống, giá tiền hơn, chưa kể khẩu vị của khách quen...", Kim Ngọc thủ thỉ.
Chưa quen với sự thay đổi cũng khiến Ngọc ngớ người vài lần. Đơn cử là việc "khách gọi cà phê đen nhưng được chế thành cà phê sữa", còn việc khách gọi trà nóng nhưng vẫn được Ngọc đưa trà đá là chuyện thường ở thời điểm đầu.
"Thấy vậy chứ làm thêm cũng hay, nó tập cho mình thói quen phải tập trung, ghi nhớ và để ý mọi chuyện. Rèn được những điều đó thì học bài cũng dễ hiểu hơn, điểm trung bình kỳ rồi cao lắm", Ngọc cười.
Làm nhiều việc cùng lúc
"Gần hai năm qua nghỉ xả hơi chán rồi, giờ phải cày thôi". Đó là câu cửa miệng của không ít người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, các bạn sinh viên thích làm thêm mà chúng tôi được tiếp xúc, trò chuyện. Như Văn Thiên (25 tuổi, quê Long An), một người đang ngập đầu trong công việc. Tốt nghiệp ngành báo chí, công việc chính của Thiên hiện là nhân viên truyền thông cho một công ty lớn có trụ sở tại quận 3.
Tranh thủ thời gian ngoài giờ, anh làm chủ một dự án truyền thông dạng bán thời gian bên ngoài. Để thời gian khuya không trôi qua vô ích, Thiên lên mạng rồi tự mình nhận các đơn đặt hàng từ thiết kế bảng hiệu, logo nhận diện thương hiệu, poster...
"Có người từng trách tôi đã nhận lương công ty nhưng lại tham công tiếc việc rồi nhận thêm việc bên ngoài nhưng họ không hiểu là tôi đã toàn tâm toàn ý làm hết, làm tốt lượng công việc ở công ty rồi, thời giản rảnh tôi làm để kiếm thêm thu nhập và không ảnh hưởng công việc chính là được", Thiên dõng dạc nói.
Đã hai mùa hè trôi qua cô sinh viên Như Hoa (20 tuổi, quê Kiên Giang) đều nán lại TP để kiếm việc làm thêm. 5h15, 5h30 và 5h45 là những khung giờ báo thức được cài sẵn mỗi ngày trên điện thoại của Hoa. Đều đặn, hành trình của cô là xuất phát từ nhà trọ nằm trên đường Huỳnh Văn Nghệ (Q.Tân Bình) đến chỗ làm là một tiệm cà phê, bán điểm tâm sáng nằm trên đường Phạm Văn Hai cùng quận.
Được giao luôn nhiệm vụ mở cửa, bày biện bàn ghế và làm vệ sinh quán nên giờ vào ca của Hoa đều sớm hơn các "đồng nghiệp" khác chừng gần nửa tiếng. Lương thực nhận của Hoa nếu làm đủ 28 công/tháng rơi vào khoảng gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, vào chiều tối Hoa còn làm quản lý cho một tiệm chè gần chỗ trọ.
"Tổng cả hai việc thì mỗi tháng cũng kiếm được gần 10 triệu, làm hai ba tháng hè và trừ hết chi phí thì số còn thừa cũng là cả gia tài để mình trả tiền học phí cho kỳ tiếp theo", Hoa tâm sự.
Tìm thấy cơ hội mới khi thay đổi
Trẻ đẹp, nổi tiếng với giọng hát đầy nội lực thế nhưng trước làn sóng dịch bệnh COVID-19 thì cô ca sĩ Jee Trần (tên thật là Nhật Hạ) vẫn gặp phải vô vàn khó khăn. Hoạt động kinh doanh thời trang dường như không thể trụ nổi, còn hoạt động biểu diễn bị ngưng trệ hoàn toàn thời điểm đó, buộc Jee Trần phải đưa ra những bước đi mới - trở thành một ca sĩ hát live thông qua các ứng dụng trực tuyến.
"Lúc đó không thể đi hát được nên buồn quá mới vào các app, nào ngờ được mọi người chào đón nồng nhiệt lắm. Có nhiều bạn còn tâm sự rằng nghỉ dịch nên việc trong tuần của họ là đợi tới giờ Jee phát sóng để vào xem, giải tỏa tâm lý...", Jee Trần chia sẻ.
Giờ đây, khi mà mọi hoạt động đã trở lại như thường, lịch biểu diễn cũng đã kín mít nhưng Jee Trần vẫn giữ thói quen hát live như thời điểm dịch bệnh trước đó. "Ngay giờ thì nguồn thu nhập của Jee vẫn có một phần từ việc hát live trên app, khi đi diễn trực tiếp cũng được chào đón hơn", cô nói thêm.
TTO - Tuy công việc trong mùa hè thường ngắn ngủi nhưng thực chất cũng đã giúp nhiều bạn trẻ bổ sung, hoàn thiện một số kỹ năng cần thiết như giao tiếp, ngoại ngữ, sự kiên nhẫn, "đọc vị" khách hàng...