Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã được Quốc hội đã biểu quyết chính thức thông qua vào sáng 14-6 và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2023 thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 hiện hành.
Luật này đã quy định rõ CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc công an nhân dân, với chức năng là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của lực lượng này.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý trong Luật CSCĐ 2022 là quy định liên quan đến trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh.
Cụ thể, Điều 30 Luật này quy định HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ CSCĐ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho CSCĐ.
HĐND, UBND cấp tỉnh cũng có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của CSCĐ phù hợp với khả năng của địa phương. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về CSCĐ.
Trong khi đó, theo quy định tại Pháp lệnh CSCĐ 2013 hiện hành chỉ yêu cầu UBND các cấp có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để CSCĐ thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Như vậy, so với quy định hiện hành, các yêu cầu, trách nhiệm của HĐND, UBND cấp tỉnh đối với lực lượng CSCĐ đã cụ thể, rõ ràng và bổ sung thêm nhiều trách nhiệm hơn. Đặc biệt là ưu tiên về chính sách nhà ở xã hội cho các cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng CSCĐ.