Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 6 đạt trung bình 154,2 điểm, giảm 2,3% so với tháng 5. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá hàng hoá vẫn cao hơn 23,1%. Sự sụt giảm của chỉ số này trong tháng 6 phản ánh giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường giảm, trong khi giá sữa và thịt tăng.
Cụ thể, giá ngũ cốc giảm 4,1% so với tháng 5 nhưng vẫn cao hơn 27,6% so với cùng kỳ 2021. Giá lúa mỳ giảm 5,7% trong tháng này nhưng so với năm ngoái lại cao hơn 48,5%. Giá dầu thực vật giảm 7,6%, đường giảm 2,6%.
Giá thịt tăng 1,7%, lập mức cao kỷ lục mới. Giá sữa tăng 4,1%. Theo FAO, giá quốc tế của tất cả sản phẩm sữa đều tăng trong đó giá pho mát biến động mạnh nhất do lo ngại về khả năng cung ứng vào cuối năm. Tương tự, mặt hàng sữa bột cũng đang đứng trước vấn đề khan hiếm nguồn cung toàn cầu.
Kinh tế trưởng của FAO Máximo Torero Cullen đánh giá, dù chỉ số giá lương thực đã giảm tháng thứ ba liên tiếp vẫn gần mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3. Các yếu tố khiến giá cả nhóm hàng hoá khó lòng giảm mạnh là do nhu cầu toàn cầu lớn, thời tiết bất lợi ở một số nước, chi phí sản xuất và vận chuyển cao, gián đoạn chuỗi cung ứng vì Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Bên cạnh đó, trong báo cáo mới nhất, FAO cũng nâng dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 thêm 7 triệu tấn trong tháng 7, chốt ở mức 2.792 triệu tấn. Con số này vẫn thấp hơn 0,6% so với sản lượng thế giới năm ngoái. Nguyên nhân nâng dự báo sản lượng ngũ cốc chủ yếu là ước tính sản lượng ngũ cốc thô điều chỉnh tăng 6,4 triệu tấn.
Dự báo sử dụng ngũ cốc trên thế giới cho năm 2022 - 2023 cũng tăng 9,2 triệu tấn – đạt mức 2.797 triệu tấn, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 1,7 triệu tấn của giai đoạn 2021 - 2022, phản ánh kỳ vọng sử dụng thức ăn chăn nuôi ít hơn.
FAO ước tính nguồn cung ngũ cốc thế giới kết thúc vụ mùa năm 2023 ở mức 854 triệu tấn, tăng 7,6 triệu tấn so với dự báo tháng trước, nhưng giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đức Minh