Đường sắt trong suốt nhiều năm vừa qua vẫn mang tiếng là “ế” khách. Theo thống kê, đến năm 2019 thời điểm trước dịch Covid-19, số lượt hành khách vận chuyển của ngành đường sắt chỉ còn 4,7 triệu lượt khách, chiếm 0,2% tổng số lượt khách do ngành vận tải phục vụ và luân chuyển 3,2 tỷ lượt khách.km, chiếm 1%. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Ngay như chính Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cũng từng thẳng thắn thừa nhận với Người Đưa Tin: “Dư địa cho vận tải hành khách của ngành đường sắt sẽ ngày càng giảm đi bởi không thể cạnh tranh được với những phương thức vận tải khác như đường bộ, hàng không, hàng hải”.
Trong bối cảnh đó, việc tìm hướng đi mới đã trở thành một bài toán khó nhưng buộc phải giải để duy trì sự tồn tại của ngành vận tải “trăm tuổi”.
Một trong những hướng đi mới của ngành đường sắt là việc hướng đến phục vụ nhu cầu đi lại của khách du lịch trên một số đoạn tuyến phù hợp.
Phải thay đổi từ tư duy
Thời gian vừa qua, sự quay trở lại ấn tượng của sản lượng vận tải hành khách trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng đã cho thấy nhiều niềm hy vọng cho ngành đường sắt khi biết đi đúng hướng, biết dùng mô hình hay.
Đường sắt đổi đời nhờ “cơn sốt” food tour của Gen Z
Lý giải về nguyên nhân sản lượng hành khách đến Hải Phòng bằng đường sắt tăng đáng kể, ông Trần Văn Hạnh - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng cho rằng là do việc ngành đường sắt đã kết hợp với Sở Du lịch Hải Phòng trong việc triển khai mô hình trải nghiệm ẩm thực – food tour Hải Phòng và mang lại nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Nói rõ hơn về cách thức thu hút khách đi tàu của ngành đường sắt, ông Trần Văn Hạnh khẳng định: “Chúng tôi đã có những sự thay đổi lớn về tư duy từ chỗ cung cấp dịch vụ vận tải hành khách đến nay chúng tôi xác định lại cung cấp dịch vụ vận tải du khách tức là đặt vận tải trong bức tranh du lịch, phục vụ du lịch”.
“Về thực tế phục vụ hành khách, chúng tôi lựa chọn những toa xe có chất lượng tốt nhất để đưa vào phục vụ trên tuyến.
Chúng tôi cũng chủ động hơn trong kế hoạch chạy tàu, khi thấy có dấu hiệu khách đông chúng tôi sẽ lập tức nối thêm toa ngay hoặc cần thiết sẽ báo lên trên để tăng cường tàu chạy.
Đỗi ngũ cán bộ công nhân viên trên tuyến đều được đào tạo, huấn luyện, nhắc nhở về việc nâng cao chất lượng phục vụ, ý thức làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm.
Hà Nội – Hải Phòng là tuyến đường sắt đầu tiên cho phép mang xe nguyên xăng lên tàu đồng thời Ga Hải Phòng cũng phối hợp với các đơn vị cho thuê xe máy, dịch vụ xe điện để tích hợp sự liên thông trong phương tiện di chuyển, để ngay khi hành khách xuống tàu là có ngay phương tiện di chuyển mà không gặp trở ngại gì.
Chúng tôi hướng đến duy trì cho hành khách tâm lý thoải mái, bởi xác định họ đi chơi mà nếu đi chơi với tâm trạng không tốt vì bất kỳ điều gì sẽ ảnh hưởng đến cả chuyến đi và chắc chắn rất khó để kéo họ trở lại với đường sắt lần tiếp theo”, ông Hạnh thông tin đồng thời cho biết thái độ phục vụ được xác định là điểm mấu chốt trong việc phục vụ hành khách.
Chia sẻ về cuộc “chuyển mình” của những nhân viên đường sắt khi làm du lịch, ông Trần Thanh Việt Trưởng tàu khách mang số hiệu HHP1 trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng cho biết việc triển khai mô hình mới cũng khiến nhân viên phục vụ trên tàu có nhiều đầu việc hơn.
“Nếu như trước đây chúng tôi chỉ làm chuyên môn của mình thì bây giờ mỗi nhân viên trên tàu đều được quán triệt phải trở thành 1 hướng dẫn viên du lịch cho hành khách. Chúng tôi ngoài việc giới thiệu về các món ngon, các địa điểm để du khách đến thăm thú còn hỗ trợ hành khách các dịch vụ bên lề như đặt xe điện, đặt xe máy, hướng dẫn tìm khách sạn,…”ông Việt cho biết.
Tuy nhiên, vị Trưởng tàu khách này cũng cho biết tuy công việc có bận rộn hơn nhưng nhân viên trên tàu đều cảm thấy vui khi làm việc bởi khi hành khách tăng đồng nghĩa với việc thu nhập của người lao động cũng sẽ tăng.
“Chúng tôi ý thức được lợi ích chung cũng là lợi ích của mình, tàu đông khách thì chính những nhân viên như chúng tôi cũng được hưởng lợi. Như riêng tôi, giai đoạn 3 tháng vừa qua, lương trung bình tăng khoảng 40%, khiến tôi cảm thấy rất mừng”, ông Trần Thanh Việt tâm sự.
Làm du lịch phải tính đường dài
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng những tín hiệu tích cực ban đầu trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng dù là đáng ghi nhận tuy nhiên hiện nay vẫn đang là quá khiêm tốn so với tổng tài nguyên mà ngành đường sắt sở hữu.
“Cái khó của làm du lịch không chỉ là tạo ra nhu cầu mà phải là giữ chân được nhu cầu. Sự thành công của tuyến Hà Nội – Hải Phòng thời gian vừa qua chủ yếu được hưởng lợi từ trào lưu food tour đến từ sự tò mò trải nghiệm của những người trẻ. Vậy thì liệu sau khi đã trải nghiệm xong du khách có quay trở lại nữa hay không và liệu trào lưu đó duy trì “độ nóng” được bao lâu? Do đó, tôi cho rằng nếu xác định làm du lịch thì phải tính đường dài”, ông Thái đánh giá.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Thái cũng chỉ ra rằng chúng ta cũng đang có nhiều tuyến đường sắt khác có tiềm năng về du lịch nhiều hơn tuyến Hà Nội – Hải Phòng mà chưa được đánh giá một cách đúng mức.
“Tuyến đường sắt Bắc Nam dài 1.726 km chạy qua 21 tỉnh, thành phố cùng nhiều địa danh nổi tiếng từng lọt top những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới là nguồn tài nguyên khổng lồ mà chúng ta cần khai thác. Du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa sổ một cách bao quát nhất và cũng là một trải nghiệm thú vị cho những khách chưa từng tham gia loại hình phương tiện này”.
Theo Phó Chủ tịch Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam, đường sắt vẫn có lợi thế đối với khoảng cách di chuyển từ 500-700km so với đường bộ, hàng không. Với hiện trạng như hiện nay, đường sắt hoàn toàn có thể chú trọng thêm vào việc phục vụ du lịch và coi đây như hướng đi trong thời gian sắp tới.
“Muốn phát triển du lịch, vấn đề lâu dài của ngành đường sắt vẫn là cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Nếu đường sắt nâng cao được chất lượng dịch vụ tại nhà ga cũng như trên hành trình đồng thời rút ngắn thêm được thời gian di chuyển thì nâng cao được sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế, trong một thời gian dài, ngành đường sắt đã chưa được đầu tư một cách đúng mức so với các phương thức vận tải khác", ông Thái chia sẻ.
Cho rằng ngành đường sắt cũng cần quan tâm đến việc quảng bá và liên kết với các điểm du lịch, các đơn vị lữ hành, ông Nguyễn Hồng Thái khẳng định đây vẫn đang là khâu yếu trong cách làm du lịch của ngành ‘trăm tuổi’. “Hiện nay, đường sắt vẫn đơn thuần là vận chuyển hành khách mà thiếu đi dịch vụ ở hai đầu và dịch vụ trên hành trình di chuyển. Chính điều này đã khiến du lịch đường sắt giảm sức hút”.
Theo ông Bùi Văn Hòa, Trưởng Phòng Quy hoạch - Kế hoạch và phát triển du lịch, Sở Du lịch Thành phố Hải Phòng, vận tải đường sắt có tính an toàn, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và thuận lợi cho hành trình trải nghiệm của du khách.
Theo đó, để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, ông Hòa cho rằng thời gian tới ngành đường sắt cần chủ động đóng mới, cải tạo các toa xe, thiết kế lại hệ thống nhà vệ sinh tiện nghi hiện đại.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong hoạt động vận tải khách tại các nhà ga.
“Ngành đường sắt cần giảm giá vé tàu, giá dịch vụ theo từng giai đoạn, có chính sách áp dụng giá riêng cho du khách, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thường xuyên với số lượng lớn. Cập nhật liên tục và rõ ràng các chương trình kích cầu đến các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, điểm thăm quan trong cả nước. Đặc biệt ngành đường sắt giám sát doanh nghiệp thành viên thực hiện các chương trình kích cầu một cách bài bản, chất lượng qua đó giữ vững niềm tin của du khách cũng như của doanh nghiệp lữ hành”, ông Hòa kiến nghị.
Đánh giá về cơ hội phát triển của du lịch đường sắt, ông Hòa nhận định: “Giai đoạn hậu Covid-19 là cơ hội đối với ngành đường sắt trong việc quay trở lại đường đua. Để thu hút khách, ngành đường sắt cần quảng bá rộng rãi hơn, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường công tác giáo dục đội ngũ lái tàu và nhân viên phục vụ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vận tải đường sắt và ứng xử văn minh du lịch.”