Ngày 10/7, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (RESCO).
Hiện Cơ quan CSĐT Công an Tp.HCM mở rộng điều tra vụ án và xác định rõ vai trò, hành vi sai phạm của từng cá nhân cụ thể.
Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được UBND Tp.HCM thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án, nhà ở tái định cư; nhà ở xã hội; chương trình giải tỏa kênh rạch, chung cư, nhà ở công nhân...
Ngày 10/8/2010, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con theo quyết định của UBND Tp.HCM. RESCO hiện đang thực hiện nhiều dự án bất động sản tại Tp.HCM.
Hiện tại, dấu hiệu tội phạm tại RESCO chưa được cơ quan điều tra công bố, song vào năm 2020, Thanh tra Tp.HCM đã công bố kết luận thanh tra thời kỳ 2017, 2018 về phòng chống tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại RESCO.
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Tp.HCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm. Trong đó, thanh tra 6 dự án do RESCO làm chủ đầu tư đều chậm tiến độ.
Điển hình có một số dự án, từ khi được cơ quan chức năng phê duyệt đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được đưa vào khai thác, sử dụng, gây ảnh hưởng đến nguồn vốn của RESCO, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước. Có những dự án bị phát hiện có sai phạm, thiếu sót trong việc không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu không đúng quy định, tự thực hiện các gói thầu dự án không đảm bảo năng lực thực hiện…
Thanh tra Tp.HCM chỉ ra hai trong số các dự án của RESCO có sai phạm nghiêm trọng.
Thứ nhất, dự án chung cư Nguyễn Kim – Khu B, có quy mộ 756 căn hộ, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, trên cơ sở cải tạo chung cư cũ để phục vụ tái định cư cho các hộ dân ở các lộ K, L, M, N, O của chung cư Nguyễn Kim cũ trước đây. Do phục vụ tái định cư nên UBND Tp.HCM có quyết định miễn tiền sử dụng đất đối với dự án này.
Đến tháng 8/2019 dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng đến thời điểm RESCO bị thanh tra thì vẫn chưa quyết toán hoàn thành do phát sinh chi phí hơn 9 tỷ đồng. Thanh tra Tp.HCM nêu rõ, việc RESCO chỉ định thầu ba gói thầu trong dự án gồm phần móng, phần hầm và sàn tầng trệt là không đúng quy định pháp luật hiện hành và dự án này chậm tiến độ 3 năm.
Thứ hai, dự án tại số 257 đường Điện Biên Phủ, quận 3 đã 16 năm nhưng chưa hoàn thành.
Đây là khu đất sở hữu Nhà nước, UBND Tp.HCM giao cho Công ty Xây lắp và Thang máy, và sau đó đơn vị này chuyển thành đơn vị thành viên của RESCO. Năm 2009 UBND Tp.HCM có quyết định cho RESCO thuê khu đất làm dự án cao ốc, văn phòng cho thuê, với thời hạn thuê 50 năm, tính từ ngày 6/12/1999 theo dạng thuê đất trả tiền hàng năm.
RESCO đã kêu gọi đầu tư, góp vốn hợp tác dự án khi chưa xin ý kiến chấp thuận của UBND Tp.HCM. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đã góp vốn vào dự án gần 169 tỷ đồng.
Và đến thời điểm thanh tra, là đầu năm 2021, đã 16 năm nhưng dự án vẫn đang thực hiện.
Trước đó, ngày 7/8/2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp.HCM đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với: ông Nguyễn Phước Ngọc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; nguyên Tổng giám đốc RESCO; ông Nguyễn Đình Phú, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, nguyên Phó tổng Giám đốc, nguyên thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty; ông Nguyễn An Trường, Đảng ủy viên Đảng ủy Tổng công ty, nguyên Kiểm soát viên chuyên trách Tổng công ty.
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Tp.HCM, lãnh đạo RESCO đã có những khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc quản lý công nợ; việc quản lý, sử dụng Quỹ Đầu tư phát triển; chi hộ tiền trả tiền cho đối tác kinh doanh, chi hộ trả tiền thuê đất; quản lý chứng từ kế toán; hoạt động đầu tư, góp vốn; thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2013 - 2015; thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thực hiện dự án và thực hiện chức trách, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Tuệ Minh (tổng hợp theo Tiền phong, Người lao động, VietNamNet)