MỎ ĐẤT HIẾM LỚN ĐỦ DÙNG 1.000 NĂM
Mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới của nằm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Energy@aa.com.tr
Mới đây, ông Fatih Dönmez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một thông báo chấn động thế giới: Quốc gia này tìm ra mỏ đất hiếm có trữ lượng rất lớn, xếp thứ 2 trong các mỏ đất hiếm trên thế giới.
Cụ thể, mỏ đất hiếm này đã được tìm thấy tại Beylikova, trung tâm bán đảo Anatolia (còn gọi là Bán đảo Tiểu Á), Thổ Nhĩ Kỳ, có trữ lượng ước tính lên tới 694 triệu tấn, xếp sau Trung Quốc với 800 triệu tấn. Theo ước tính của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Khoáng sản và Kim loại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (IMMIB), trữ lượng của mỏ đất hiếm "trời cho" này đủ để phục vụ nhu cầu toàn thế giới trong 1.000 năm.
Thông tin về mỏ đất hiếm khổng lồ này cũng cho biết rằng lớp quặng nằm tương đối nông, do vậy mà quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sẽ không cần mất quá nhiều công mà vẫn có thể khai thác và bán với mức giá tốt. Trở ngại của mỏ đất hiếm này có lẽ chỉ nằm ở việc nó nằm cách cảng xuất khẩu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đặt tại thủ phủ tài chính Istanbul 386km, tương đương gần 8 tiếng lái xe.
Ông Fatih Dönmez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Fatih Dönmez phát biểu: "Chúng tôi sẽ xử lý 570.000 tấn quặng mỗi năm. Chúng tôi sẽ thu về khoảng 10.000 tấn oxit đất hiếm từ số quặng đã qua xử lý này. Sẽ có 72.000 tấn barit, 70.000 tấn flo và 250 tấn thori. Chúng ta đang nói về một nguyên tố, một khoáng chất mà sẽ mang tới những cơ hội và khả năng tuyệt vời làm nhiên liệu cho công nghệ năng lượng nguyên tử".
Công cuộc khai thác quặng sẽ diễn ra trong vòng 1 năm sau khi quá trình thăm dò của các chuyên gia và nhà nghiên cứu tại các trường đại học hàng đầu quốc gia thuộc NATO này hoàn tất. Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ chưa công bố danh sách các loại nguyên tố đất hiếm mà quốc gia này sẽ khai thác được từ đây; song, Bộ trưởng Fatih Dönmez cho biết rằng sẽ có 10/17 nguyên tố hiếm được khai thác.
THỔ NHĨ KỲ - 'ÔNG LỚN' MỚI TRONG LÀNG XE ĐIỆN
Bên cạnh phát biểu về số lượng quặng mà Thổ Nhĩ Kỳ đủ sức xử lý mỗi nằm, Bộ trưởng Fatih Dönmez cũng cho biết rằng: "Chúng tôi cũng sẽ bổ sung năng lực sản xuất 600 tấn lithium mỗi năm [cùng với công cuộc khai thác đất hiếm]".
Phát biểu này chính là những gì các nhà sản xuất xe và các nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới cảm thấy vui mừng.
Pin Lithium 4680 của Tesla được đánh giá là một bước phát triển lớn trong công nghệ sản xuất pin. Ảnh: Bullfrag
Lithium vốn là một thành tố quá đỗi quan trọng để làm nên pin xe điện. Bối cảnh hiện nay đã càng tô đậm sự quan trọng của kim loại có màu xam xanh này đối với xe điện, khi các nhà sản xuất xe đang tìm cách để tháo gỡ nút thắt nguồn cung lithium, đồng thời tìm phương án nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thứ kim loại đắt giá này.
Ngoài Lithium, xe điện cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên tố đất hiếm, khi không chỉ là thành phần quan trọng làm pin xe điện, đất hiếm cũng có mặt trong các bộ phận tối quan trọng khác, điểm hình là mô-tơ điện - nam châm trong mô-tơ điện của xe điện có sử dụng đất hiếm.
Cụ thể hơn, có thể kể tên như Cerium [58Ce], kim loại đã được sử dụng từ rất lâu để làm bộ chuyển đổi xúc tác - thiết bị đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát khí thải; Dysprosium [66Dy], Neodymium [60Nd], và Samarium [62Sm] là các nguyên tố được sử dụng để làm nên nam châm vĩnh cửu trên mô-tơ điện một số dòng xe; Gadolinium [64Gd] thì được sử dụng trên cả động cơ điện và pin xe điện. Bên cạnh đó còn có 2 nguyên tố là Lanthanum [57La] và Yttrium [39Y] cũng đang được nghiên cứu sử dụng để làm pin.
Đất hiếm đóng vai trò quan trọng với xe điện. Ảnh minh họa: Benjamin Hager/Las Vegas Review-Journal
Có thể thấy rằng hơn một phần ba loại đất hiếm đều đang có ứng dụng hoặc có tiềm năng ứng dụng đối với ngành xe thế giới, đặc biệt là xe điện. Vấn đề về nguồn cung dài hạn đã khiến một số hãng xe như BMW tìm cách loại bỏ đất hiếm ra khỏi các mẫu xe điện của họ. Hiện nay, các mỏ đất hiếm lớn đều nằm tại Trung Quốc, do vậy mà việc có một nguồn cung khác có thể khiến tình thế thay đổi.
Các nhà sản xuất đã thi triển nhiều phương thức để tránh gặp khó khăn với đất hiếm, ví dụ như General Motors của Mỹ đã hợp tác với một đơn vị mỏ đất hiếm tại California, Mỹ để giúp sản xuất mẫu xe bán tải điện GMC Hummer EV; ngoài ra, một số loại nam châm vĩnh cửu trên mô-tơ của General Motors cũng được thiết kế đặc biệt để sử dụng ít đất hiếm nhất có thể (Terbium và Dysprosium được sử dụng kèm với Neodymium để giúp nam châm duy trì từ tính ở nhiệt độ cao).
Nhiều hãng xe trên thế giới đang tìm mọi cách để giảm bớt khó khăn từ đất hiếm.
Ngoài các phương thức trên, tái chế cũng là một phương án mà Nissan đang ứng dụng. Hãng xe Nhật Bản này đang hợp tác với Đại học Waseda (Nhật Bản) để thử nghiệm một quy trình xử lý mới để lấy lại đất hiếm từ những chiếc động cơ xe điện không còn được sử dụng.
Một số dự đoán cho rằng nếu như chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có các chính sách mời gọi đầu tư, hợp tác hợp lý, dẫn tới thu hút nhiều doanh nghiệp đến, thì vị thế các nhà cung cấp đất hiếm trong ngành xe điện mà Trung Quốc đang dẫn đầu có thể có nhiều thay đổi.
https://soha.vn/mo-dat-hiem-troi-cho-du-dung-1000-nam-co-the-thay-doi-vi-the-cua-trung-quoc-voi-xe-dien-20220710173121737.htmTheo Minh Đức
Trí Thức Trẻ