Các bậc phụ huynh thường nghe rất nhiều lời khuyên về những điều chúng ta nên và không nên làm với con mình. Nhưng để thực hiện tốt những lời khuyên đó là không hề dễ dàng.
Để đi tìm cách giải quyết vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con cái đã tìm gặp và phỏng vấn 70 bậc cha mẹ khác nhau. Đặc điểm chung của họ chính là thành tựu nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành và đạt những thành công nhất định cùng với ước mơ của mình. Chuyên gia đó chính là bà Margot Machol Bisnow.
Bà Margot Machol Bisnow đã có 20 năm kinh nghiệm công tác trong chính phủ, trong đó từng là Ủy viên Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Commission) và là thành viên chủ chốt của Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ.
Bà cũng là tác giả của cuốn sách Raising an Entrepreneur: How to Help Your Children Achieve Their Dream (Tạm dịch: “Nuôi dạy doanh nhân: Cách giúp con bạn đạt được ước mơ”).
Những kinh nghiệm đúc rút từ buổi phỏng vấn 70 cặp cha mẹ đã được bà ghi lại trong chính cuốn sách này.
Mặc dù mỗi gia đình nhận lời phỏng vấn đều có nguồn gốc đa dạng về sắc tộc, kinh tế xã hội và tôn giáo, nhưng phương pháp nuôi dạy con cái của họ lại có 4 điều chung. Chính điều này đã giúp con cái họ phát triển trở thành những cá nhân thông minh, có định hướng và kinh doanh tốt.
4 điều họ chưa bao giờ làm khi trẻ còn nhỏ chính là:
Họ không bao giờ coi sở thích của con mình là lãng phí thời gian
Thể thao, điện tử, tranh luận, âm nhạc, ngắm chim - mọi đứa trẻ trong các gia đình nhận phỏng vấn của bà Margot Machol Bisnow đều có niềm đam mê khác, bên cạnh việc học tập. Các bậc cha mẹ không bao giờ ngăn cấm con cái mình phát triển sở thích này bởi vì họ biết rằng, đó là cách để phát triển hoạt động tinh thần cho trẻ.
Radha Agrawal là người sáng lập Daybreaker, phong trào nhảy múa buổi sáng với hơn 500.000 thành viên khắp thế giới, tại 30 thành phố khác nhau. Trước đó, cô là CEO của Super Sprowtz, một phong trào giải trí dành cho trẻ em tập trung vào việc ăn uống lành mạnh.
Nhưng khi còn nhỏ, niềm đam mê của cô là bóng đá. Ngay từ khi mới 5 tuổi, cô và chị gái song sinh Miki đã được cha mẹ ủng hộ, cho phép chơi bóng ba giờ một ngày. Nhờ vậy, họ thậm chí còn được thi đấu tại Đại học Cornell, đạt danh hiệu “Cặp song sinh bóng đá huyền thoại”.
Mặc dù sự nghiệp hiện nay không liên quan gì đến bóng đá, Radha vẫn cho rằng mình đã phát triển rất nhiều bản lĩnh và sự kiên cường từ môn thể thao này: “Bạn học được tinh thần kỷ luật, học cách làm việc có tổ chức và tập trung. Đồng thời, bóng đá cũng giúp bạn hiểu được thế nào là tinh thần làm việc theo nhóm và những gì cần thiết để trở thành một trưởng nhóm xuất sắc.”
Họ không bao giờ lựa chọn tất cả thay cho con cái
Việc lựa chọn thay cho con có thể rất dễ dàng. Sau tất cả, cha mẹ là người lớn, hiểu rõ con mình hơn bất cứ ai khác và càng không muốn con phải chịu khổ. Nhưng các bậc cha mẹ thành công sẽ chống lại sự cám dỗ đó.
Một vị phụ huynh tên Maura chia sẻ: “Chúng tôi khuyến khích con mình tự lập và tự suy nghĩ cho bản thân. Tôi thường nói với con gái rằng, ’Hãy tin tưởng, nhưng cũng cần phải xác minh. Kiểm tra để chắc chắn rằng những điều con tin tưởng là sự thật. Đừng làm những thứ con không thích chỉ vì những người xung quanh đều đang làm điều đó.’ Điều mà chúng tôi muốn nhìn thấy là con cái có thể lớn lên cẩn trọng, nhưng không sợ hãi”.
Với cách giáo dục này, con gái của bà là Ellen Gustafson đã trưởng thành và đạt những thành tựu trong cuộc sống. Cô là người đồng sáng lập Dự án FEED, cung cấp thực phẩm cho trẻ em trong trường học. Đồng thời cô cũng là một nhà lãnh đạo tư tưởng và là diễn giả thường xuyên về đổi mới xã hội.
“Là cha mẹ, chúng ta có thể dễ dàng nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu của con mình là gì,” bà Maura tiếp tục. “Nhưng điều quan trọng là phải để các con tự tìm ra nó. Cách tốt nhất để làm điều đó là đặt những câu hỏi cho con, chẳng hạn như ‘Con nghĩ lựa chọn nào sẽ hữu ích hơn cho tương lai của mình?’”
Họ không bao giờ đặt tiền bạc hay mức lương nặng hơn so với hạnh phúc
Học vấn và chuyên môn là những điều rất cần thiết cho sự phát triển sau này. Nhưng bằng cấp có thể gây lãng phí thời gian của con bạn nếu nó không liên quan đến lợi ích lâu dài của trẻ. Đừng để lý do duy nhất của các con khi đến trường chỉ nhằm lấy một tờ giấy, nhằm mưu cầu một công việc lương cao.
Khi một người đủ yêu thích thứ gì đó, sẵn sàng làm việc chăm chỉ vì nó thì họ vẫn có thể trở thành những chuyên gia ngay cả khi không có bằng cấp trong lĩnh vực đó.
Họ không bao giờ bỏ bê việc hiểu biết về tài chính
Mặc dù các bậc cha mẹ không bao giờ thúc ép con cái phải theo đuổi công việc lương cao, nhưng tất cả họ đều nỗ lực dạy con mình về tiền bạc bằng nhiều hình thức khác nhau.
Joel Holland là một doanh nhân khởi nghiệp thành công. Công ty đầu tiên của anh là Storyblocks đã được định giá lên tới 20 triệu USD vào năm 2012. Anh cho rằng, mình làm được điều này nhờ những hiểu biết tài chính mà cha mẹ đã dạy.
Ngay từ khi còn nhỏ, anh và chị gái của mình đã phải đảm nhận công việc quét rác để có tiền tiêu vặt.
“Sàn nhà phải thật sự sạch sẽ thì cha mẹ mới nghiệm thu công việc và trả tiền cho tôi. Chính điều đó dạy tôi về sự chăm chỉ và đạo đức công việc,” anh cho biết. “Trong khi bạn bè ở trường đều được mua giày trượt patin, bố mẹ tôi chỉ nói rằng, ‘Nếu con muốn chúng, con phải tiết kiệm rồi tự mua bằng tiền của mình.’ Điều đó khiến tôi rất tức giận khi còn nhỏ, nhưng nó thực sự khiến tôi trân trọng hơn giá trị của đồng tiền”.
Cha mẹ Joel cũng không chi trả học phí đại học cho anh. Anh đã tốt nghiệp Đại học Babson bằng các khoản vay sinh viên và từ số tiền kiếm được nhờ đi làm thêm từ sớm.
“Vì phải vất vả kiếm tiền học phí nên tôi chưa bao giờ bỏ lỡ bất cứ một buổi học nào. Theo ước tính của tôi, mỗi lớp học có giá khoảng 500 đô la,” anh nói. “Cứ mỗi khi bị cám dỗ trốn học, tôi lại nghĩ đến nguy cơ thất thoát số tiền này.”
*Theo CNBC
https://cafef.vn/noi-chuyen-voi-70-cap-cha-me-nuoi-con-thanh-cong-toi-nhan-ra-day-la-4-dieu-ho-chua-bao-gio-lam-khi-tre-con-nho-20220710140156835.chnTheo Phương Thuý
Trí Thức Trẻ