Khi thế giới hướng tới các công nghệ năng lượng ít ô nhiễm hơn, nhu cầu về kim loại dùng trong pin, xe điện, tấm pin năng lượng mặt trời…đang tăng cao. Điều đó mang lại gấp đôi doanh thu cho các công ty khai khoáng.
Các công ty này không chỉ được hưởng lợi từ việc giá kim loại tăng và thu hút được khách hàng mới, họ còn có cơ hội xây dựng lại thương hiệu và trở thành những anh hùng vì môi trường.
Khai thác khoáng sản vốn là một trong những ngành thải ra nhiều carbon nhất thế giới. Theo McKinsey & Co., lượng carbon của ngành khai thác chiếm 4-7% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Các nhà môi trường từ lâu đã lập luận rằng ngành công nghiệp khai khoáng cũng gây hại cho hành tinh theo nhiều cách khác nhau, ví dụ như làm gia tăng tình trạng thiếu nước và làm giảm đa dạng sinh học.
Nhưng trong bài diễn thuyết và những báo cáo hoa mỹ của các giám đốc, ngành công nghiệp này cho rằng việc khai thác sẽ rất quan trọng nếu thế giới muốn thành công trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0.
Trong một báo cáo gần đây, công ty khai thác Australia BHP và nhà quản lý tài sản châu Âu LGIM lập luận rằng không hề nói quá khi cho rằng việc chuyển đổi năng lượng sẽ không diễn ra nếu thiếu lượng lớn các khoáng sản quan trọng.
Các nhà phân tích hàng hoá đồng ý rằng nhu cầu về nguyên liệu thô sẽ tăng lên khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Những vị cứu tinh của tương lai như xe điện, tuabin gió đều cần đến đồng, niken, coban, đất hiếm và các kim loại khác. Kỳ vọng về nhu cầu gia tăng đã đẩy giá nhiên liệu tăng. Đây là hiện tượng "lạm phát xanh" và điều này đang tác động tiêu cực đến ngành năng lượng tái tạo.
Giá của một số loại hàng hoá then chổt trong chuyển đổi năng lượng.
Theo BloombergNEF, trong lĩnh vực năng lượng gió, giá tubin đã tăng 9% trong nửa cuối năm 2021. Khoảng 34% vốn của một trang trại gió ngoài ngơi dùng để chi cho các tuabin. Trên đất liền, con số này lên đến 70%, theo Joyce Lee, người đứng đầu chính sách và dự án tại Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu.
Giá nguyên liệu thô tăng có thể khiến cho một dự án mới bất khả thi về mặt kinh tế, đồng thời xoá sạch thành quả cắt giảm chi phí sản xuất của các nhà máy sau nhiều năm nỗ lực. Lee nói rằng điều này có thể làm chậm quá trình triển khai năng lượng gió.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng việc sản xuất các khoáng chất như than chì, lithium và coban vào năm 2050 cần tăng 500% so với năm 2018 để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều về công nghệ năng lượng sạch.
Nhưng Andy Whitmore, đồng chủ tịch của London Mining Network cho biết nhóm của ông đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh giả định rằng khai khoáng là một giải pháp cho biến đổi khí hậu. Trước những tác động của ngành đối với môi trường, hạn chế sẽ tốt hơn là tăng cường khai thác và kìm hãm việc sử dụng toàn bộ các nguồn tài nguyên.
Ông cho biết không phải tất cả các khoáng chất được khai thác có liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Đối với những kim loại có liên quan, chúng cũng không chỉ đề phục vụ cho công nghệ năng lượng tái tạo mà còn dùng để chế tạo vũ khí hoặc phục vụ công nghiệp hoá nói chung.
Câu chuyện về những nhà khai thác khổng lồ đóng vai anh hùng trong quá trình chuyển đổi là một nỗ lực để đổi mới thương hiệu của ngành. Việc này tương tự như đổi tên các công ty thành những "nhà khai thác bền vững" và "nhà khai thác có trách nhiệm".
Lượng khoáng sản được dùng trong việc tạo ra năng lượng. Đơn vị: Kg/MW
Daniel Read, một nhà vận động về khí hậu và năng lượng của Tổ chức Greenpeace Nhật Bản, cho biết ngành khai khoáng phải khẩn trương đạt được mô hình sản xuất không phát thải. Ông nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp này chưa trở nên xanh hơn đơn giản vì đầu ra hiện đang phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo.
Các công ty khai thác cho biết họ đang nỗ lực để cắt giảm lượng khí thải từ hoạt động sản xuất. Theo McKinsey, các mục tiêu giảm phát thải hiện tại do các công ty khai thác công bố nằm trong khoảng từ 0 đến 30% vào năm 2030.
Albemarle của Mỹ, nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới, cho biết họ đang chịu nhiều áp lực trong việc giảm lượng khí thải carbon cũng như hiển thị thêm dữ liệu để chứng minh những tiến bộ họ đạt được.
Các nhà hoạt động và chuyên gia cho rằng các công ty khai thác cần cung cấp nhiều thông tin hơn trước khi lời tuyên bố đưa thế giới hướng tới phát thải ròng bằng 0 được chấp nhận.
Nhiều người chỉ ra rằng các công ty khai khoáng tập trung vào nỗ lực cắt giảm lượng khí thải liên quan đến sản xuất, mà không thảo luận về lượng khí thải do khách hàng sử dụng kim loại và khoáng sản mà họ đã khai thác.
Shinsuke Murakami, một chuyên gia về khai thác bền vững và là phó giáo sư tại Đại học Tokyo, cảnh báo các nhà đầu tư đừng để bị lôi cuốn bởi các tuyên bố công khai về sự tiến bộ của các nhà khai thác mà hãy dựa vào dữ liệu đầy đủ hơn về các hoạt động tổng thể của họ.
Murakami nói thêm rằng ngay cả khi lượng khí thải carbon được cải thiện, các bên thứ ba vẫn khó đánh giá những tác động môi trường khác, chẳng hạn như thiếu nước và đa dạng sinh học.
"Nhiều công ty khai thác nên tự nguyện công khai thông tin để các bên thứ ba có thể đánh giá một cách khách quan những nỗ lực về môi trường của họ", Murakami nói.
Tham khảo Nikkei Asia
http://tintuc.vdong.vn/07/1421371.htm