Ông Trần Tuấn Anh, trưởng Ban Kinh tế trung ương, phát biểu tại hội thảo Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh: THÀNH TRUNG
Ngày 12-7, Ban Kinh tế trung ương và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo Phát triển văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau hơn 15 năm thực hiện nghị quyết 54 và kết luận 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, kinh tế - xã hội của vùng đã đạt được nhiều thành tựu. Vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, các ý kiến tại hội thảo cho rằng phát triển Đồng bằng sông Hồng còn một số hạn chế. Nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.
Theo ông Trần Tuấn Anh - trưởng Ban Kinh tế trung ương, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển, chưa tạo đột phá để nâng cao năng suất lao động.
Y tế, giáo dục còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với trình độ các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Khắc phục những tồn tại nêu trên, trưởng Ban Kinh tế trung ương cho rằng những năm tới, vùng Đồng bằng sông Hồng phải đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố trong vùng phải thúc đẩy mạnh mẽ các trung tâm đổi mới sáng tạo; tập trung xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, Hà Nội sớm trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn.
Để tiếp tục phát triển các vùng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm.
Đối với vùng Đồng bằng sông Hồng, Ban Kinh tế trung ương được giao chủ trì đề án tổng kết và đánh giá lại kết quả phát triển trong thời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển của vùng trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Ban Kinh tế trung ương sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển vùng để phát huy được các tiềm năng, lợi thế, tối ưu hóa nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.
Theo Ban Kinh tế trung ương, vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam. Vùng có địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh của cả nước.
TTO - Đời sống vùng nông thôn cải thiện, thu nhập người dân nông thôn Đồng bằng sông Hồng đạt 43,3 triệu đồng/năm sau 10 năm các tỉnh vùng này làm nông thôn mới.
Xem thêm: mth.4252305121702202-gnoh-gnos-gnab-gnod-neirt-tahp-ev-iom-teyuq-ihgn-oc-es/nv.ertiout