Vụ án gây nhiều tranh cãi và thu hút dư luận
Sáng 12/7, TAND quận Phú Nhuận, Tp.HCM mở phiên xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong, 34 tuổi, tài xế Mercedes tông nữ tiếp viên hàng không thương tật 79% và gây tử vong cho ông Lê Mạnh T. (tài xế xe ôm công nghệ GrabBike) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Đây là vụ án từ gây nhiều tranh cãi và chú ý của dư luận không chỉ việc bị cáo Phong không có bằng lái nhưng vẫn lái xe ô tô; nạn nhân là tài xế xe ôm công nghệ và một tiếp viên hàng không xinh đẹp, mà còn có việc bị cáo Phong thời điemổ là bị can, bị bắt tạm giam vẫn ký giấy tờ chuyển nhượng căn hộ đứng tên mình choi mẹ ruột của Phong.
Trước đó, Ngày 16/12/2020, TAND quận Phú Nhuận tuyên phạt bị cáo Phong 7 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngoài án tù, HĐXX còn buộc Phong bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng cho chị Hường và bồi thường 477 triệu đồng cho người đại diện hợp pháp của ông T..
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm bác yêu cầu kê biên tài sản mà Phong đã chuyển nhượng cho mẹ với nhận định bị hại có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự của Phong và mẹ là vô hiệu, sau đó đề nghị kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.
Bà Trần Hoàng Họa Mi (mẹ ruột Phong) đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục một phần hậu quả cho bị hại Hường và người thân ông Thường mỗi người 60 triệu đồng.
Sau bản án, bị cáo Phong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Còn bị hại Nguyễn Thị Bích Hường kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Cụ thể, chị Hường cho rằng án sơ thẩm tòa tuyên với Phong là quá nhẹ so với hành vi, hậu quả mà bị cáo Phong gây ra nên đề nghị cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt với bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự, chị Hường cho rằng việc tòa án chỉ buộc bị cáo Phong chịu trách nhiệm bồi thường là chưa thỏa đáng. Theo chị Hường, công ty Fumita và công ty Khang Gia phải có trách nhiệm liên đới bồi thường vì 2 doanh nghiệp có lỗi khi giao xe cho bị cáo Phong điều khiển gây tai nạn.
Trong quá trình xét xử sơ thẩm, TAND quận Phú Nhuận, Tp.HCM chưa làm rõ việc bị cáo có hành vi tẩu tán tài sản sau khi phạm tội nhằm “né” trách nhiệm bồi thường. Trong thời gian bị cáo bị tạm giam, mẹ bị cáo cùng công chứng viên đến trại tạm giam giúp bị cáo làm thủ tục sang tên một căn hộ. Tòa sơ thẩm đã không thu thập chứng cứ, không kê biên căn nhà trên để đảm bảo thi hành án.
Ngày 22/4/2021, TAND Tp.HCM mở phiên xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của chị Hường và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để làm rõ một số vấn đề. Trong đó, HĐXX nêu cần làm rõ vấn đề căn hộ mà bị cáo Phong khai đã ký chuyển nhượng hợp đồng mua bán sang tên cho mẹ trong thời gian tạm giam, là tài sản của ai, để đảm bảo việc bồi thường trong vụ án.
Đến ngày 14/2/2022, cơ quan điều tra Công an quận Phú Nhuận đã ra lệnh kê biên đối với căn hộ nêu trên là tài sản của Phong để đảm bảo trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại.
Tranh cãi việc căn nhà trước đây đứng tên bị cáo là của ai
Tại phiên tòa, bị cáo Phong thừa nhận mình là người gây ra vụ tai nạn khiên ông T. tử vong và làm chị Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật nặng.
Tuy nhiên, bị cáo Phong nói mình không trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Trong khi đó, bị hại là chị Nguyễn Thị Bích Hường khẳng định ngay khi tai nạn xảy ra chị hoàn toàn tỉnh táo tới tận lúc vào bệnh viện nên chị biết rõ Phong không hề gọi xe cấp cứu hay có hành động giúp đỡ chị và ông T.. Mẹ chị Hường là người đưa chị đi cấp cứu.
Chủ tọa phiên tòa cũng giải thích, việc bản thân bị cáo không có bằng lái, chạy xe tốc độ cao, không làm chủ được tay lái đã gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng; sau khi gây tai nạn bị cáo đã bỏ trốn, không cấp cứu người bị hại, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Vì vậy, việc VKS truy tố là hoàn toàn chính xác. Nghe giải thích, Phong cúi đầu thừa nhận mình sai.
Về vấn đề bồi thường dân sự, đại diện gia đình ông T. yêu cầu Phong phải có trách nhiệm bồi thường tổng cộng 417 triệu đồng các phí tổn. Còn chị Hường ngoài yêu cầu Phong bồi thường 1,4 tỷ đồng như án sơ thẩm lần 1 nêu, thì chị này còn yêu cầu Phong bồi thường thêm 300 triệu đồng chi phí cho đợt phẫu thuật sắp tới, nâng tổng số tiền mà chị Hường đòi bồi thường lên 1,7 tỷ đồng.
Bị cáo Phong từ chối yêu cầu này của chị Hường và chỉ đồng ý bồi thường 1,4 tỷ đồng mà tòa sơ thẩm lần 1 đã tuyên.
Về căn chung cư, bị cáo Phong thừa nhận do bị cáo đứng tên nhưng tiền mua căn hộ là của mẹ bị cáo. Lý giải việc sao mẹ bị cáo không đứng tên, Phong cho biết vì mẹ không có giấy tờ tùy thân nên không đứng tên được.
Bị cáo cũng giải thích lý do khi ở nhà tạm giữ, bị cáo đề nghị gặp công chứng viên sang tên nhà cho mẹ là nhằm mục đích để mẹ bị cáo mang bán hoặc cầm cố để bồi thường cho các bị hại.
Về việc CQĐT quyết định kê biên căn nhà, Phong khẳng định mình không có ý kiến gì với quyết định này.
Trình bày tại tòa, bà M. (mẹ ruột bị cáo Phong) cũng khẳng định căn nhà trên là do cha bà trước khi chết cho 800 triệu đồng, cộng với bà vay mượn thêm để mua. Do trước đây bà vi phạm pháp luật phải đi tù, khi ra tù không được các anh chị em nhập khẩu lại nên không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên để con trai đứng tên mua căn hộ dùm.
Trước lời khai này của mẹ con bị cáo Phong, chủ tọa phân tích, việc bị cáo vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng, tước đi mạng sống của ông Thường và làm chị Hường bị thương tật nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, cuộc sống của bị hại.
“Những mất mát của các bị hại không có tiền nào có thể mua được, vậy mà mẹ con bà ở đây tranh cãi căn nhà này là của ai như vậy có bà thấy có đáng không?”, vị chủ tọa phân tích.
Tuy nhiên, bà M. vẫn tha thiết đề nghị HĐXX xem xét lại hoàn cảnh gia đình bà và mong được giữ lại căn hộ, chờ đến khi có sổ hồng sẽ đem đi cầm cố để lấy tiền khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Trong phần tranh luận, VKS đề nghị HĐXX xem xét yêu cầu hủy hợp đồng mua bán giữa bị cáo và mẹ ruột để đảm bảo hoạt động kê biên, thi hành án.
Nói lời sau cùng, bị cáo Phong ăn năn hối lỗi và mong HĐXX tạo điều kiện để bị cáo và mẹ được khắc phục hậu quả gây ra.
Trước các tình tiết phức tạp, cần đánh giá lại tòa diện trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, chủ tọa phiên tòa thông báo nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 14/7 tới.
Theo cáo trạng, khoảng 5h27 ngày 30/1/2020, Nguyễn Trần Hoàng Phong lái ô tô hiệu Mercedes BKS: 51G-902.57, đi từ tầng hầm toà nhà số 108 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM về ngã tư Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận.
Đến số 123 Hồng Hà, Phong không làm chủ được tốc độ, lao sang làn đường ngược chiều, tông trực diện vào xe máy mang BKS: 62P1- 401.23 do ông Lê Mạnh T. cầm lái chở chị Nguyễn Thị Bích Hường đang chạy theo chiều ngược lại.
Cú tông mạnh khiến người và xe máy văng vào lề đường trái, ô tô tiếp tục va chạm vào cây phượng trên vỉa hè. Vụ tai nạn khiến ông T. bị đa chấn thương và chết tại bệnh viện, còn chị Hường bị đa chấn thương với tỷ lệ thương tật 79%.
Sau tai nạn xảy ra, Phong tự rời khỏi hiện trường. Hôm sau, Phong đến công an đầu thú và khai nhận sự việc.
Tại cơ quan điều tra, Phong khai hai ngày trước khi xảy ra tai nạn, Phong đi chơi tại quán bar ở tỉnh Bình Thuận và sử dụng ma tuý. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm dấu vết phương tiện và dấu vết trên người nạn nhân đều phù hợp với diễn biến vụ tai nạn.
Qua kết quả điều tra xác định nguyên nhân tai nạn lỗi hoàn toàn do Phong lái ô tô trong khi không có giấy phép lái xe, chạy với tốc độ là 84km/h (tốc độ cho phép 50km/h), không làm chủ tay lái lấn trái đường tông vào xe máy đi hướng ngược lại.