Một đoạn kênh Đông của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh qua xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: DUY THANH
Đó là công trình kênh Đông của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Đưa chúng tôi đến công trình tại thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên), ông C., một người dân nơi đây, bức xúc: "Tôi không hiểu người ta thiết kế sao mà đáy kênh nằm thấp bên dưới, kênh dẫn và đất cần tưới thì lại ở trên cao, áp lực nước đâu có đủ để đẩy lên! Vậy nên có kênh mà không có nước tưới. Dân thấy bức xúc vì công trình này quá lãng phí".
Kênh dẫn ở thôn Lạc Đạo nhiều năm không có nước, cỏ mọc um tùm che kín, hoang hóa. Còn hệ thống kênh dẫn ở địa phận xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) gần đó đã bể vỡ, nông choèn, nằm lẫn trong rẫy hoa màu của dân.
Theo tài liệu, đây là một hạng mục của dự án Sử dụng nước sau nhà máy thủy điện Sông Hinh do Bộ NN&PTNT cấp vốn, Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 thuộc bộ này làm chủ đầu tư. Theo thiết kế ban đầu (năm 1998), kênh Đông dài 8,12km, lưu lượng 4,32m3/s, tưới 2.900ha và tiếp nước vào hồ Sơn Tây để trạm bơm Sơn Tây lấy nước từ hồ tưới cho 1.860ha.
Tuy nhiên, do không cân đối được nguồn vốn nên năm 2007, Bộ NN&PTNT đã điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 đến 2010, trong đó điều chỉnh kênh Đông dài từ 8,12km xuống 6,54km và tưới trực tiếp 272ha; đoạn còn lại đầu tư ở giai đoạn sau.
Giai đoạn 1 của kênh Đông đã thực hiện hoàn thành với 6,8km kênh chính, tổng mức đầu tư 86 tỉ đồng, bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam của tỉnh Phú Yên quản lý, vận hành vào năm 2016. Tuy nhiên, thay vì cấp nước tưới trực tiếp cho 272ha như thiết kế, hiện công trình này chỉ tưới được hơn 42ha tại thôn Lạc Đạo.
Ông Nguyễn Minh Huệ - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam - cho biết đoạn kênh Đông được xây dựng trong giai đoạn 1 làm đúng thiết kế được phê duyệt, chủ yếu làm nhiệm vụ chuyển nước. Đoạn kênh này đi qua khu vực địa hình cao, chỉ tưới trực tiếp cho những diện tích thấp hơn mực nước kênh.
"Kênh Đông là kênh trung chuyển nước, nếu dự án làm khép kín thì phát huy hiệu quả tối đa, nhưng giờ làm "cắt khúc", chưa đầu tư hoàn chỉnh nên chỉ hiệu quả một phần. Nguồn nước chưa tưới đủ cho 272ha (như thiết kế) là vì nhiều diện tích bà con chưa trồng lúa nước, địa phương cũng chưa khai thác tối đa" - ông Huệ giải thích.
Theo ông Mai Ne, phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, kênh Đông được thiết kế thấp, đi dưới mặt đất, hiện chưa đầu tư đầy đủ nên nước không về được các cánh đồng cần nước bên dưới.
"Huyện đầu tư 8km kênh nhánh, nhưng chỉ một phần diện tích thấp có nước về để làm lúa, còn hầu hết là đất sản xuất hoa màu, muốn có nước dân phải bơm tưới. Địa phương mong ngành nông nghiệp tiếp tục cân đối vốn đầu tư cho hoàn chỉnh hệ thống kênh Đông này để nước về được các cánh đồng lúa, hoa màu thường bị khô hạn" - ông Ne đề xuất.
Ông Lữ Ngọc Lâm - phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên - cho biết sở đã kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm bố trí vốn đầu tư hoàn thành giai đoạn 2 của dự án (gồm đoạn kênh chính Đông còn lại, trạm bơm Sơn Tây và đập dâng khu vực núi Mật Cật). Tuy nhiên hiện chưa có thông tin về việc khi nào thì việc đầu tư tiếp theo này được thực hiện.
TTO - Hồ chứa nước Ia Mơr diện tích gần 3.000ha, chứa gần 200 triệu m3 nước được kỳ vọng đổi đời cho một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Chư Prông (Gia Lai) và Ea Sup (Đắk Lắk) đã tích nước nhưng thiếu vùng tưới vì vướng đất rừng.
Xem thêm: mth.53171042221702202-iol-yuht-hnek-neb-ohk-tahk-uam-aoh/nv.ertiout