Theo Oilprice, vào 5h50' sáng nay (13/7), giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent đứng ở mức 99,49 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức giảm 20 cent, tương đương 0,21%, xuống mức 95,64 USD/thùng.
Giá dầu Brent và WTI đều giảm mạnh xuống dưới mốc 100 USD/thùng. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Trước đó, trong phiên 12/7, giá dầu thế giới giảm mạnh. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8 giảm 8,25 USD (7,9%), xuống chốt phiên ở mức 95,84 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 9 giảm 7,61 USD, tương đương 7,1%, xuống 99,49 USD/thùng.
Cả hai loại dầu đều chốt phiên ở các mức thấp nhất kể từ tháng 4, theo Dow Jones Market Data.
Giá dầu giảm khi đồng USD mạnh lên đáng kể. Chỉ số USD, đo giá trị của đồng tiền này so với giỏ gồm 6 đồng tiền mạnh khác, tăng 0,05% vào cuối phiên này, sau khi tăng 0,95% trong phiên trước. "Đồng bạc xanh" mạnh gây sức ép lên giá dầu khi dầu được giao dịch bằng đồng tiền này.
Bên cạnh đó, những lo ngại tăng trưởng kinh tế của toàn cầu chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng cũng là yếu tố khiến giá dầu giảm trong phiên này.
"Giá dầu đã quay đầu giảm vì lo ngại suy thoái. Triển vọng u ám của các nền kinh tế lớn cũng ngăn cản đà tăng của giá dầu trong trung hạn", ông Craig Erlam, chuyên gia tài chính có trụ sở ở Anh, đánh giá.
Theo vị chuyên gia, khả năng Trung Quốc tăng cường áp dụng các yêu cầu chống dịch cũng là lực cản lớn đối với thị trường dầu. Điều này có thể khiến dầu thô được giao dịch gần với mốc 100 USD/thùng hơn.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp chống dịch mới, từ dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh đến phong tỏa những khu vực ghi nhận ổ dịch mới. Các động thái này nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh sau khi biến chủng BA.5.2.1 của Omicron xuất hiện tại Thượng Hải.
Trong năm nay, Thượng Hải và một số thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng bị phong tỏa trong nhiều tuần. Giới quan sát nhận định các hạn chế tại đất nước 1,4 tỷ dân đóng vai trò lớn trong việc hạ nhiệt giá dầu.
Ngoài ra, theo ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore, thị trường dầu cũng chịu sức ép từ nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và châu Âu.
"Tại phương Tây, sự kết hợp giữa giá năng lượng cao và lãi suất tăng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái, từ đó tác động nghiêm trọng tới nhu cầu dầu", Commerzbank bình luận.
Mới đây, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể kể từ tháng 4. Do đó, bà không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm tới.
Các nhà phân tích của Citigroup nhận định, dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng trong năm nay và còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế xảy ra.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn công bố ngày 12/7, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu WTI và Brent năm 2022.
Theo EIA, giá dầu Brent giao ngay trung bình sẽ ở mức 104 USD/thùng trong năm 2022, giảm 3,1% so với mức dự báo đưa ra vào tháng 6 và so với mức trung bình 71 USD/thùng trong năm 2021. Trong khi mức dự báo được đưa ra cho dầu WTI là 98,79 USD/thùng, giảm 3,6% so với dự báo trước.
VTV.vn - Một trong những sự kiện đáng chú ý hôm nay (13/7) là chuyến thăm Trung Đông lần đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44541159031702202-4-gnaht-ut-ek-tahn-paht-gnoux-uad-aig/et-hnik/nv.vtv