Ảnh: The Economist
Sinh ra trong một gia đình người Đài Loan thành đạt trên đất Mỹ, Andrea Pien đang sở hữu khối tài sản hàng triệu đôla ở tuổi 35, đủ để giúp cô không phải suy nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền. Một chuyên viên tư vấn tài chính khuyên cô nên cẩn trọng, bởi có câu không ai giàu ba họ. "Nhưng tôi và bạn đời của mình không dự định có con. Chúng tôi giữ khối tài sản này cho ai, nhất là khi thế giới đang bốc cháy - theo đúng nghĩa đen?" - Pien nói với trang Vox.
Tháng 3-2020, Pien tìm đến Phuong Luong, người sáng lập hãng tư vấn tài chính Just Wealth, và nhờ công ty giúp cô phân phát một phần của cải của mình cho xã hội. Kế hoạch cụ thể: Rút mọi khoản đầu tư khỏi sàn chứng khoán phố Wall, thay vào đó là một danh mục đầu tư gồm toàn các dự án đặt mục tiêu công bằng kinh tế và cải thiện chất lượng sống của cộng đồng lên trên lợi nhuận.
"Nhà tư bản chống tư bản"
Pien nằm trong số không ít những người Mỹ trẻ trung - thượng lưu đang hy vọng sử dụng các khoản đầu tư của mình để phục vụ các mục tiêu cộng đồng thay vì vun vén cá nhân. Phương hướng có vẻ ngược đời này được một nhóm gọi là "đầu tư chuyển hóa" (transformative investment), số khác lại gọi bằng cái tên gây tranh cãi hơn "đầu tư chống tư bản" (anti-capitalist investment).
Mục tiêu và hành vi thực tế của nhóm này cũng vô cùng đa dạng. Có người đặt mục tiêu phân phát hết hoặc gần hết bớt tiền của mình đang giữ, số khác vẫn muốn khoản đầu tư phải ra lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng muốn đảm bảo các tổ chức nhận đầu tư phải là các bên tích cực đóng góp cho công bằng xã hội.
Nhiều chuyên viên tài chính cho biết mô hình đầu tư này đang ngày càng phổ biến tại Mỹ trong vài năm trở lại đây - nguyên do có thể đến từ các cuộc khủng hoảng COVID-19, cũng như các sự kiện bạo lực sắc tộc đã cảnh tỉnh nhiều người Mỹ (trong đó có cả giới giàu) về các bất công liên tầng còn tồn tại trong xã hội Mỹ.
Một yếu tố khác: Nước Mỹ sắp trải qua một giai đoạn chuyển giao tài sản lớn chưa từng có trong lịch sử, với 68.000 tỉ đôla của cải sắp được "sang tay" từ thế hệ Boomer qua thế hệ Z. Tuy nhiên, số của cải này dĩ nhiên sẽ không được chia đều, và thế hệ trẻ cũng hiểu điều này hơn ai hết.
Những người có tinh thần này cần một nhà tư vấn đồng điệu về quan điểm và lý tưởng với họ: cùng bất mãn với nền kinh tế Mỹ, vốn bị thống trị bởi những tỉ phú giàu ngoài sức tưởng tượng, theo Zach Teutsch, người sáng lập nhóm tư vấn tài chính Values Added Financial.
Muốn là một chuyện, nhưng...
Thành tâm đã có, nhưng một câu hỏi khác lại được đặt ra: Liệu "đầu tư chuyển hóa" có thực sự làm được những gì người giàu tuyên bố? Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn về lịch sử của ngành tài chính.
Trên thực tế, các phương án đầu tư hướng về cộng đồng đã có lịch sử dài hàng trăm năm. Các nhà đầu tư không chỉ ưu tiên mục tiêu lợi nhuận mà còn gắn các niềm tin và giá trị cá nhân vào danh mục của mình bằng cách lựa chọn các doanh nghiệp làm lợi cho cộng đồng, đồng thời loại bỏ các tổ chức không cùng hệ giá trị.
Vấn đề là, dù được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau - đầu tư có trách nhiệm với cộng đồng (socially responsible investing), đầu tư bền vững (sustainable investing), hoặc đầu tư có đạo đức (moral investing) - các phương án này đều bị đặt vào vòng nghi vấn trong vài năm trở lại do tính hiệu quả cũng như lằn ranh đạo đức có phần mập mờ.
"[Đầu tư bền vững] nhận được sự quan tâm lớn, nhưng đồng thời cũng thu hút nhiều sự cạnh tranh và các chiến dịch marketing của các công ty tài chính lớn, vốn ít quan tâm đến điều gì khác ngoài việc làm tiền" - Sonia Kowal, giám đốc công ty quản lý tài sản Zevin Asset Management, cho biết.
Thay vì đi theo cách cũ, những người theo đuổi phương án "đầu tư chuyển hóa" tuyên bố rằng họ muốn đi xa hơn, cụ thể là chuyển hóa nền kinh tế từ chỗ "bóc lột" - nơi một nhóm thiểu số quyền lực giành lấy phần lớn lợi tức, sang một mô hình "tái tạo" - nơi của cải và tài nguyên được phân phối hợp lý hơn cho số đông.
Khái niệm tương đối xã hội chủ nghĩa này do Resource Generation, một nhóm người Mỹ trẻ giàu có với tôn chỉ phân phối bớt (toàn bộ hoặc phần nhiều) tài sản của bản thân, đặt ra và phổ biến. Công ty tư vấn Chordata Capital thậm chí còn hoạt động trên mô hình cấp tiến hơn: Nhiều khách hàng của đơn vị này gửi đầu tư mà không quan tâm đến lợi nhuận, đồng thời cũng đang lên kế hoạch tiêu tán bớt tài sản của mình trong vòng 20 năm.
Tưởng rằng cho đi là dễ, nhưng trong bối cảnh ngành dịch vụ đầu tư hiện tại thì việc đầu tư chuyển hóa cũng gặp vô số vấn đề. Trước hết, nguyên tắc căn bản "không bỏ trứng vào cùng một giỏ" sẽ tương đối khó thực hiện nếu nhà đầu tư nhất quyết đi tìm các dự án cộng đồng và bỏ qua các mã chứng khoán đang trên sàn giao dịch. Ngay cả khi đã tìm được dự án bên ngoài phố Wall, nhà đầu tư cũng sẽ phải loại đi nhiều lựa chọn do khác biệt về giá trị.
Kelly Cahill, một thành viên của Resource Generation, cho biết: "Tôi thích ý tưởng đặt tiền của mình vào các khoản đầu tư cộng đồng thay vì chơi chứng khoán, nhưng vấn đề là chẳng có mấy chỗ như vậy để đặt". Đối với một nhà đầu tư cá nhân như Cahill, có rất nhiều lựa chọn tự xưng là "đảm bảo trách nhiệm xã hội" được các quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ quảng bá; tuy nhiên việc chúng có thực sự tạo ra thay đổi không rất khó đoán định nếu không có sự trợ giúp của các chuyên gia tư vấn.
Cahill cho biết của cải của cô không đến từ thừa kế, mà bắt nguồn từ khoản bồi thường lớn sau một tai nạn cô gặp phải, thứ giúp cô bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán và thu về nhiều lợi tức đến nỗi khiến cô phải băn khoăn. Không lâu sau, cô tham gia Resource Generation với mục tiêu chuyển 1/3 số tài sản của mình cho các khoản đầu tư cộng đồng. Đơn vị này hiện đang kết nối giới giàu với một mạng lưới các chuyên gia và doanh nghiệp tài chính để giúp họ bắt đầu con đường đầu tư chuyển hóa.
Còn đối với nhiều người Mỹ trẻ giàu lên nhờ thừa kế, đầu tư chuyển hóa dường như là câu trả lời xác đáng cho những băn khoăn hiện đại về mô hình quỹ từ thiện, vốn là hình thức đóng góp cho xã hội được ông cha họ tin dùng - nhưng đã vấp phải không ít nghi vấn về tính minh bạch và công bằng trong những năm gần đây. "[Qua các quỹ từ thiện tư nhân], những cá nhân và tổ chức giàu có vẫn có khả năng gây ảnh hưởng lên chính trị và công chúng bằng cách rót tiền vào các mục tiêu họ cho là cao quý mà không cần lắng nghe ý kiến của cử tri và người dân lao động" - cây viết Jennifer Pan chỉ ra trên tạp chí Jacobin.
Theo Kate Poole, đồng điều hành Công ty Chordata, các nhà đầu tư chuyển hóa có thể tránh đi theo vết xe đổ này bằng cách đầu tư vào các hợp tác xã - nơi người lao động có toàn quyền điều hành cơ sở sản xuất của mình; hoặc các quỹ tín dụng do cộng đồng làm chủ như Boston Ujima Project - nơi các thành viên thuộc tầng lớp lao động sẽ bỏ phiếu xem doanh nghiệp nào trong cộng đồng mình xứng đáng nhận được hỗ trợ tài chính.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các mô hình cấp tiến này đang dự báo một giai đoạn bước ngoặt sắp tới cho ngành dịch vụ tài chính. Dù vậy, đa số người trong cuộc đều hiểu rằng muốn xóa bỏ bất bình đẳng thì đầu tư thôi là chưa đủ - với họ, quyết định đi theo con đường này có thể đến từ những nguyên do hết sức cá nhân.
"Một phần lý do tôi tham gia phong trào tái phân phối của cải này là vì bố tôi - ông đã làm việc cật lực, và đồng thời cũng rất cô đơn. Ông không có nhiều bạn bè thân thiết - Pien nhớ lại - Tôi muốn tương lai nơi mọi người đều thấy đủ đầy, hiểu bản thân và có thể kết nối với cộng đồng quanh mình".■
Resource Generation cho biết lượng thành viên của họ đã tăng gấp rưỡi kể từ năm 2019, lên mức 1.155 thành viên vào cuối năm 2021. Đại diện tổ chức, Nadav David, thông tin: "Trong vài năm trở lại, tôi bắt đầu nhận thấy nhiều cuộc thảo luận xoay quanh việc thoái vốn khỏi phố Wall và tập trung vào các dự án cộng đồng. Chúng tôi quan tâm đến việc chấm dứt kiểu thừa kế như ta đang thấy ngày nay. Chúng tôi muốn mình là thế hệ cuối cùng có thể tích lũy một khối lượng tài sản lớn theo cách này".
Xem thêm: mth.43562505131702202-uaig-tob-ed-ut-uad/nv.ertiout