Dự thảo Thông tư phát triển hạ tầng thương mại đưa ra nhiều tiêu chí phát triển loại hình bán lẻ hiện nay như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet...
Một trong số tiêu chí là cửa hàng tiện lợi "chủ yếu phục vụ đối tượng là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m".
Nhận xét về tiêu chí này, nhiều chuyên gia cho rằng, không khả thi và thiếu thực tế khi chủ cửa hàng khó xác định khách hàng có sinh sống trong phạm vi 500 m hay không.
Phản hồi trước góp ý này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) hôm nay cho biết, tiêu chí trên không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ, khách mua của cửa hàng tiện lợi.
"Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, và là cơ sở để các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại", Vụ Thị trường trong nước khẳng định.
Ngoài ra, các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi hay trung tâm outlet được ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, tài liệu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. "Tất nhiên, có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam", Bộ Công Thương giải thích.
Về thẩm quyền và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, theo Bộ Công Thương, sẽ phải theo các quy định hiện có, với lĩnh vực thương mại là Nghị định 98/2020.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh mục đích khi xây dựng dự thảo Thông tư này, là phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và phục vụ việc quản lý Nhà nước ngành Công Thương.
"Các quy định tại dự thảo Thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác; cũng như không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh", Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, trong góp ý gửi Bộ Công Thương ngày 13/7, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan này bỏ các đề xuất không khả thi, thiếu minh bạch và dễ gây hiểu lầm, như cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500 m.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị bỏ một số quy định bất hợp lý khác tại dự thảo Thông tư, mà theo họ là sẽ can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí không cần thiết.
Chẳng hạn, dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet phải có nơi trông xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh.
Bộ Công Thương cho biết, dự thảo Thông tư này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý, nên cơ quan này sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện các nội dung theo đúng quy định.
Hoài Thu