Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng nếu công nhân tiếp cận được với nguồn vốn chính thức, họ sẽ không tìm đến tín dụng "đen" nữa - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Ngăn tín dụng 'đen' thế nào?
Tại hội nghị, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nêu rõ dù cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều câu chuyện xoay quanh tín dụng "đen" bủa vây người lao động. "Điều này để lại nhiều câu chuyện hệ lụy đau lòng", ông Tú nói.
Do đó, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra các giải pháp "nóng" như đề xuất gói 20.000 tỉ đồng với lãi suất bằng 50% so với lãi suất thông thường. Số tiền do các công ty tài chính tiêu dùng chuẩn bị và trực tiếp hỗ trợ công nhân lao động có nhu cầu vay tại khu công nghiệp.
Cụ thể, người lao động vay tiêu dùng có thời hạn 2 tháng đến tối đa 3 năm (tương ứng 70 triệu đồng) nhằm phục vụ tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày như đi chợ, đóng tiền học cho con… Nếu có nhu cầu lớn, các ngân hàng sẽ có các khoản vay có điều kiện khác.
Cũng nói về tín dụng "đen", ông Nguyễn Đình Khang - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - thừa nhận người lao động rất khó phân biệt đâu là công ty tài chính trá hình, trong khi một số công đoàn cơ sở ngại việc/nhiều thủ tục cho vay nên một số công ty tài chính chưa tiếp cận được công nhân.
Ông Khang cho biết thời gian tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước sẽ có quy chế về việc các công ty tài chính xuống ký trực tiếp tại công đoàn địa phương hoặc khu công nghiệp.
"Mục tiêu để công nhân lao động tiếp cận được với nguồn vốn chính thức", ông Khang nhấn mạnh.
Nhiều chủ tịch công đoàn địa phương nêu khó khăn của công nhân lao động khi vật giá leo thang hiện nay - Ảnh: HẢI NGUYỄN
Ngừng việc tập thể tăng so với cùng kỳ
Ông Trần Thanh Hải - phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết vừa qua công đoàn đã tích cực đàm phán, thương lượng tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động (bình quân 6%) từ ngày 1-7-2022; hỗ trợ, đại diện cho 319 vụ tranh chấp lao động, đòi lại 900 triệu đồng cho người lao động…
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, cả nước xảy ra tới 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Có một số cuộc ngừng việc kéo dài.
Nguyên nhân chủ yếu do người lao động trải qua thời gian khó khăn, giảm sút tích lũy, thu nhập; các mặt hàng thiết yếu tăng cao; những năm 2020 và 2021 chưa tăng tiền lương tối thiểu vùng; chậm chi trả chế độ hỗ trợ COVID-19...
Do vậy, ông Hải đề nghị các cấp công đoàn chủ động, kiên trì, tích cực kiến nghị các nguyện vọng chính đáng của đoàn viên lao động tới doanh nghiệp, nhất là tăng tiền lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022. Đồng thời nắm bắt giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách kịp thời cho người lao động.
TTO - "Tổ công tác đặc biệt này sẽ thành lập xử lý làm sao nhanh chóng và thậm chí sau này điều tra xong sẽ đưa ra xét xử lưu động để giáo dục răn đe", đại tá Nơi nói.