Hẻm 270 Phan Đình Phùng là khu vực có khu dân cư, trường học và nhiều quán ăn, quầy ăn vỉa hè. Sau khi mở rộng dọc theo cụm hẻm giờ nhộn nhịp, sung túc
TP.HCM trước năm 2000 tồn tại nhiều con đường, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, không đạt quy chuẩn về giao thông, mỹ quan đô thị và phòng cháy chữa cháy. Với tốc độ phát triển kinh tế cao, nhu cầu về nhà ở và việc cải thiện tình trạng giao thông, phòng cháy chữa cháy… trở thành vấn đề cấp bách cần được quan tâm.
Trước tình hình đó, chủ trương vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm được Ban chấp hành Đảng bộ TP đề ra và phát động thực hiện rộng rãi. Qua thời gian thực hiện, công tác này dần trở thành phong trào được nhân dân đồng tình ủng hộ vì nhiều lợi ích.
168.139 hộ dân tham gia, hơn 5,3 triệu m2 đất được hiến với khoảng ước tính tương ứng số tiền 10.000 tỉ đồng để phục vụ cho 5.230 công trình là kết quả ấn tượng của cuộc vận động nhân dân hiến đất mở hẻm. Ngoài việc hiến đất để thực hiện các công trình, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền 458 tỉ đồng.
Hẻm 622 đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) trước đây là một con hẻm nhỏ, xe máy không thể quay đầu. Sau khi được sự chung sức "góp đất" của người dân, xe ba gác chở hàng hóa đã có thể vào và giao hàng tận nhà
Nhớ lại thời điểm con hẻm trước nhà chỉ rộng 3m, ông Trần Văn Cường (ngụ tại 622/22 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận) cho biết thời điểm đó, sinh hoạt của bà con khu phố rất khó khăn, chật chội. "Mấy năm trước, xe ba gác đi qua hẻm này không lọt, không chuyển được đồ đạc, quay đầu xe máy cũng không được. Nên khi được phường vận động hiến đất mở hẻm, bà con phấn khởi lắm", ông Cường nói.
Hẻm 622 Nguyễn Kiệm giờ đây đã được mở rộng gần 6m, rộng rãi hơn. Vì đường Nguyễn Kiệm là đường một chiều, khi con hẻm được mở rộng, dòng xe máy từ đường Thích Quảng Đức có thể lưu thông qua hẻm để đi sang đường Hồ Văn Huê rất thuận tiện. Không chỉ vậy, ông Cường cho biết, khi người dân hiến đất mở hẻm, con hẻm được chỉnh trang, cải tạo sạch sẽ hơn, bạn đến chơi nhà cũng có chỗ để xe.
Hiến đất mở hẻm, theo ông Cường, người dân được lợi đôi đường. "Hiến cho Nhà nước mà có ai mang đi đâu, nó cũng ở trước nhà mình", ông Cường nói và cho biết người dân của các hẻm lân cận cũng mong muốn được mở rộng hẻm sớm khi thấy được lợi ích của việc hiến đất mở hẻm.
Hẻm 359 Lê Văn Sỹ dài 300m nối ra kênh Nhiêu Lộc, trước đây hẻm chỉ rộng khoảng 2m, trời mưa nước ngập gần cả bánh xe. Sau khi được 59 hộ dân trong hẻm đồng tình hiến tặng 325m2 đất, hiện đã là đường bê tông có lắp đặt cống thoát nước.
Những năm trước, con hẻm 62 Lý Chính Thắng (quận 3) chỉ rộng khoảng 3,5m, xe máy lưu thông qua là kẹt. Ông Nguyễn Ngọc Thanh (ngụ số 62/249 Lý Chính Thắng) nhớ thời điểm đó, con hẻm chật chội rất bất tiện. Chưa kể, hẻm nhỏ nhưng dây điện chằng chịt. Sống trong con hẻm nhỏ, gia đình ông cũng thường xuyên lo sợ vì không đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy.
Khi có cuộc vận động hiến đất mở hẻm, gia đình ông chấp thuận chủ trương ngay. Con hẻm giờ được mở rộng lên 6m, bà con lối xóm khi có tiệc tùng cũng có không gian mà dựng đỡ rạp, đỗ xe. "Con hẻm giờ rộng rãi, khang trang, bà con ở đây ai cũng vui", ông Thanh nói.
Tuyến hẻm 62 Lý Chính Thắng (quận 3) sau khi mở rộng quy mô hẻm từ 1,3 - 4,5m lên 6m, diện tích trên 774m2, mặt hẻm bê tông xi măng kết hợp ngầm hóa điện, viễn thông, cứu hỏa. Thay vì cảnh ngập nước, ùn tắc giao thông, giờ đây hẻm đã thông thoát và người dân có thể dựng sạp ở đường
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Bạch Mai - phó Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM - đánh giá, sau 20 năm thực hiện, cuộc vận động người dân hiến đất mở hẻm đã đạt được nhiều kết quả, góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống của người dân. Cuộc vận động được người dân TP rất đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực.
Theo bà Mai, TP.HCM đã nỗ lực thực hiện các phong trào, xây dựng nhiều công trình nhằm đưa TP phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân, trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Đến năm 2025 chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP yêu cầu mỗi phường xã có công trình chỉnh trang đô thị, xóa bỏ dần các hẻm dưới 2m. Bà Mai hi vọng nhân dân TP sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM hiến đất mở hẻm khi có chủ trương.
Nhiều hàng quán được mở trước nhà để kinh doanh nhưng hẻm 62 Lý Chính Thắng vẫn đảm bảo diện tích cho xe thông thoáng di chuyển
Hẻm 64 Bùi Văn Ba (quận 7) được cải tạo mở rộng vào năm 2021 trong chương trình vận động nhân dân hiến đất mở hẻm giai đoạn 2021-2025 do UBND quận 7 phát động
Con hẻm 22 Nguyễn Thị Nhờ (quận 7) có diện tích ban đầu rộng chưa đầy 3 m, đủ một xe máy quay đầu, ôtô hầu như không thể vào. Hiện nay từ đất đá gồ ghề đã được nâng lên bằng chất liệu bê tông, mặt đường rộng, sạch và ít bụi đất tạo không gian vui chơi an toàn hơn cho trẻ con
TTO - Sáng 2-7, quận Phú Nhuận, TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 10 năm chương trình mở rộng đường, hẻm trên địa bàn theo phương thức ‘nhân dân tự nguyện hiến đất, nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật’.