Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội, VTV tiếp tục nhận được rất nhiều cuộc gọi, email phản ánh của người dân, doanh nghiệp về vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên không gian mạng.
Các đối tượng đã lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tinh vi, đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân, với nhiều vụ có số lượng lớn bị hại tham gia tại nhiều địa phương trên cả nước.
Không chỉ chiếm đoạt và mạo danh tài khoản mạng xã hội của các cá nhân, mà cổng thông tin điện tử, website của cơ quan nhà nước cũng bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo. Trước tình hình trên, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân thận trọng khi truy cập.
Một website đã giả mạo Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bắc Ninh. Từ hình ảnh, giao diện và nội dung được các đối tượng thiết kế giống y hệt như website chính thức.
Điều đáng nói, xen lẫn vào các nội dung là những đường link kêu gọi đầu tư tiền ảo, quảng cáo cá độ bóng đá.
"Không phải là hack vào công thông tin điện tử Bắc Ninh, mà nó lấy hình ảnh giao diện Cổng thông tin điện tử Bắc Ninh ghép vào trang tin của nó để đưa về một số nội dung cá độ, cờ bạc và không lành mạnh khác…", ông Vũ Huy Phương, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết.
Trong khi đó, hiện cũng xuất hiện hàng loạt hội nhóm nhái theo VTV Khớp lệnh với ý đồ câu view, mời gọi trả tiền đăng quảng cáo và dụ người dân tham gia đầu tư vào các kênh đầu tư tài chính, chứng khoán không chính thống.
"Tôi rất bất ngờ và bức xúc khi hình ảnh của chúng tôi bị các đối tượng sử dụng vào những mục đích xấu. Group VTV Khớp lệnh là một trang dành riêng cho khán giả của chương trình Khớp lệnh và là nơi tương tác với các MC, BTV hay đội ngũ chuyên gia uy tín", BTV Tài Phan, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết.
"Có những thông tin mình không kiểm soát được và những nhà đầu tư yêu mến mình lại thấy rằng đó là phát ngôn của mình. Thực sự mình rất bức xúc và mong cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc làm rõ", ông Phan Linh, Sáng lập Take Profit Việt Nam, cho hay.
Ngay cả Bộ Công an cũng vừa phải liên tiếp phát đi những cảnh báo khi phát hiện hàng loạt website, ứng dụng mạo danh ngành công an để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Trên website giả mạo có các chuyên mục yêu cầu người dân đăng nhập vào tài khoản ngân hàng và điền các thông tin cá nhân. Khi người dân đăng nhập vào thì tự động tải về file vn84.abk. Đây là một loại mã độc, nó có khả năng tự động cài đặt trên hệ điều hành nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và sử dụng trái phép thông tin cá nhân", Thiếu tá Lê Tuấn Anh, Phó trưởng Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, thông tin.
Theo Bộ Công an, các website chính thức của các cơ quan nhà nước đều có đuôi như: gov.vn; vn. Các website chính thống sẽ không yêu cầu người dân đăng nhập tài khoản ngân hàng, kê khai thông tin cá nhân, cũng không đăng tải các lệnh bắt, lệnh khám xét hay các thủ tục tố tụng hình sự trên mạng Internet.
Không ít người sau khi truy cập vào các trang website giả mạo trên đã bị các đối tượng giả danh uy hiếp và chiếm đoạt tiền, từ vài trăm triệu, đến thậm chí vài tỷ đồng mỗi người.
VTV.vn - Lợi dụng tốc độ phát triển nhanh chóng của ví điện tử, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh thực hiện hành vi lừa đảo, nhằm trục lợi bất chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.27462011041702202-oad-aul-ed-coun-ahn-nauq-oc-cac-etisbew-hnad-aig/et-hnik/nv.vtv